Máy đo huyết áp
Đây là công cụ hữu hiệu giúp tự theo dõi huyết áp để điều chỉnh bài tập hoặc dinh dưỡng. Máy đo phù hợp nhất phải có vòng đeo vừa tay và màn hình hiển thị tự động. Bạn có thể đo huyết áp hai lần vào buổi sáng và hai lần vào buổi tối trong ba ngày liên tiếp để có chỉ số huyết áp trung bình.
Máy đo nhịp tim
Nhiều người cho rằng máy đo nhịp tim chỉ dành cho vận động viên chuyên nghiệp. Thực tế, mọi người đều có thể dùng công cụ này. Máy đo nhịp tim cho biết tim đang hoạt động thế nào trong khi vận động hoặc sinh hoạt hàng ngày, từ đó cải thiện mức độ tập luyện hoặc lối sống. Thông số từ máy đo nhịp tim có thể giúp bác sĩ hoặc các chuyên gia về vận động thể chất giúp bạn khai thác tối đa lợi ích từ các bài tập.
Máy đếm bước chân
Cách tăng mức độ hoạt động tốt nhất là theo dõi bước chân đi được trong ngày, sau đó thử thách bản thân đi nhiều hơn. Máy đếm bước chân giúp bạn không cần đếm thủ công mỗi bước hoặc ước lượng mơ hồ về quãng đường.
Máy đếm bước chân có thể dưới dạng đồng hồ đeo tay, kẹp vào hông, ứng dụng trên điện thoại thông minh. Hầu hết máy theo dõi lượng hoạt động theo khoảng cách đi lại, thời gian vận động và lượng calo đốt cháy. Một số có thể theo dõi giấc ngủ và nhịp tim, nhật ký dinh dưỡng để đưa ra lời khuyên tốt hơn. Các thông số này không chính xác 100%, song có thể hướng dẫn bạn hoàn thành mục tiêu trở nên khỏe mạnh.

Đồng hồ thông minh có thể đo nhịp tim và các chỉ số sức khỏe khác. Ảnh: Freepik
Cân và bộ test cholesterol
Những người cân mỗi tuần một lần có xu hướng giảm cân thành công hơn, vì vậy bạn nên có một chiếc cân đặt ở nhà. Ban nên cân vào cùng một thời điểm trong tất cả các ngày, ví dụ 6h sáng hàng ngày, để theo dõi cân nặng chuẩn xác hơn.
Bộ test cholesterol giúp bạn tự kiểm tra lượng cholesterol giữa các lần khám. Bộ test này có cả máy điện tử và xét nghiệm thủ công. Nếu bạn định kiểm tra cholesterol thường xuyên, hãy xem xét một bộ dụng cụ điện tử để hiển thị và lưu trữ các kết quả đo của bạn.
Các cách khác quản lý sức khỏe tim mạch
Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Bạn nên kiểm tra sức khỏe tối thiểu một năm một lần, để đảm bảo không có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đồng thời quản lý bệnh nền nếu có.
Quản lý bệnh tiểu đường: Nếu bạn bị tiểu đường, hãy theo dõi chặt lượng đường trong máu, ăn uống điều độ và tập thể dục.
Uống thuốc theo chỉ định: Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị huyết áp, cholesterol hoặc tiểu đường, hãy uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu gặp tác dụng phụ, nên trao đổi với bác sĩ để có thuốc thay thế phù hợp.
Ăn uống hợp lý: Bạn không nên cắt bỏ toàn bộ nhóm thực phẩm có thể gây bệnh tim mạch, hoặc sử dụng chế độ ăn kiêng khiến bạn luôn cảm thấy đói. Nếu không có thời gian chế biến thực phẩm, bạn có thể lựa chọn bữa ăn cân bằng, kiểm soát lượng calo do các quán ăn lành mạnh cung cấp.
Bạn cân nhắc mua một chiếc cân thực phẩm để đo hoặc cân thức ăn, cho đến khi có thể tự đánh giá khẩu phần. Nếu bạn không muốn sử dụng cân, có thể tìm hướng dẫn kích thước phần ăn trên mạng.
Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng, buồn rầu có thể làm tăng huyết áp, gây bệnh tim mạch, vì vậy hãy tìm cách để thư giãn. Tập thể dục và ngủ đủ giấc có thể giúp giảm căng thẳng. Bạn cũng có thể dành 15 phút yên tĩnh mỗi ngày để thư giãn, nói chuyện với bạn bè và gia đình, làm những công việc bạn thích.
Hạn chế uống rượu: Phụ nữ không uống quá một ly rượu mỗi ngày; nam giới không uống quá hai ly. Một lần uống tương đương với 118 ml rượu vang (khoảng nửa ly) hoặc 350 ml bia (thường là một lon hoặc chai bia).
Chi Lê (Theo WebMD)