Khi đề cập tới phòng ngừa bệnh tim, việc kiểm soát sức khỏe tinh thần, cảm xúc cũng quan trọng tương đương kiểm soát lượng cholesterol và huyết áp. Ví dụ bệnh trầm cảm tàn phá sự cân bằng tự nhiên của cơ thể, bằng cách hạ thấp mức serotonin và dopamine. Đây là hai loại hormone hạnh phúc, điều chỉnh giấc ngủ, tâm trạng, động lực và các chức năng khác của cơ thể. Từ đó, hormone này điều chỉnh lối sống, sức khỏe tim mạch.
Khi một người có lượng serotonin thấp gặp phải tình trạng căng thẳng về cảm xúc, cơ thể sẽ tạo ra nhiều hợp chất gây viêm hơn, ví dụ interleukin-1. Đồng thời, căng thẳng có thể dẫn đến sự tích tụ mảng bám trong động mạch, gây nghẽn mạch máu và các tai biến về tim. Serotonin cũng giúp điều chỉnh nhịp tim, quá trình đông máu và các chức năng quan trọng khác.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Tim mạch Mỹ chỉ ra những người bị trầm cảm lâm sàng có nguy cơ cao mắc chứng rung tâm nhĩ, là tình trạng mạn tính khiến nhịp tim bất thường. Đánh giá của hiệp hội dựa trên hơn 22 nghiên cứu với hơn 500.000 người, cho thấy những người bị trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
Đau buồn và buồn bã sâu sắc còn có thể gây ra bệnh cơ tim Takotsubo, còn được gọi là "hội chứng trái tim tan vỡ". Tức là, sau khi gặp bi kịch, cơ thể giải phóng một lượng lớn hormone gây căng thẳng, làm căng tim và thay đổi hình dạng của tâm thất trái.
Căng thẳng mạn tính cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bằng cách khiến huyết áp và mức adrenaline tăng lên. Huyết áp tăng cao liên tục làm cho động mạch của kém đàn hồi hơn, có thể gây đột quỵ tim.
Nếu không được kiểm soát, chỉ một vài sự kiện căng thẳng cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Ví dụ nhiều người bị căng thẳng quá mức trong dịch Covid-19, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe thể chất.
Trầm cảm lâm sàng và căng thẳng mạn tính khác với căng thẳng bất chợt. Mọi người có thể cảm thấy không thoải mái khi nói về sức khỏe tinh thần và tình cảm. Tuy nhiên, tác động bất lợi của sự buồn rầu, căng thẳng đối với sức khỏe có thể trực tiếp và nguy hiểm.
Nếu bạn cảm thấy quá căng thẳng, mệt mỏi, không thể tiếp tục công việc hay hoạt động như dự kiến, hãy thư giãn thể chất và tinh thần trong 5 đến 10 phút vài lần một ngày. Những hành động đơn giản như hít thở sâu hoặc tưởng tượng ra khung cảnh dễ chịu có thể tác động đáng kể tới tâm trạng, từ đó giảm áp lực lên tim và hệ thống tuần hoàn.
Khi sự mệt mỏi, tâm trạng chán nản không cải thiện trong thời gian dài, bạn nên đi khám để được chẩn đoán bệnh. Bác sĩ sẽ có bảng câu hỏi về sức khỏe của bệnh nhân và mức độ căng thẳng cảm nhận được, nhằm xác định mọi người có bị căng thẳng mạn tính, đau khổ hay không.
Mọi người không nên tự chẩn đoán về tình trạng sức khỏe tâm thần hoặc bệnh tim, do có thể nhầm lẫn dẫn tới sử dụng sai phương pháp điều trị. Song, mọi người có thể tự đối chiếu với các dấu hiệu cơ bản cho thấy sức khỏe tinh thần sa sút, để quyết định thời điểm đi khám. Các dấu hiệu gồm: thay đổi thói quen ăn mặc, mất hứng thú với các hoạt động yêu thích trước đây hoặc giảm tương tác xã hội, thay đổi khẩu vị, thay đổi giấc ngủ, hoặc thời gian lo lắng, buồn bã hoặc vô vọng kéo dài.
Chi Lê (Theo USA Today)