Không khí lạnh, khô vào mùa đông có thể kích ứng đường hô hấp, gây cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm trùng hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi... Thạc sĩ, bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hướng dẫn bảo vệ phổi bằng một số cách đơn giản dưới đây.
Giữ ấm cơ thể
Nguyên tắc đầu tiên để bảo vệ phổi khi nhiệt độ giảm là giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ và ngực. Đeo khẩu trang giúp giữ ấm mũi, miệng, bảo vệ phổi khỏi không khí lạnh, các tác nhân ô nhiễm trong môi trường. Không khí lạnh dễ khiến niêm mạc đường hô hấp khô, làm giảm khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước vi khuẩn, virus.
Tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm
Bên cạnh giữ ấm, tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm cũng cần thiết. Bác sĩ Lan giải thích trong mùa lạnh, nồng độ bụi mịn trong không khí thường tăng cao. Tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm dễ gây tổn thương phổi, tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp và tim mạch.
Mọi người nên hạn chế hoạt động ngoài trời vào những ngày hoặc khung giờ có chỉ số ô nhiễm cao. Gia đình sử dụng máy lọc không khí, vệ sinh thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc, chất gây dị ứng.
Cải thiện độ ẩm trong nhà
Ngoài việc bảo vệ phổi khỏi tác nhân bên ngoài, cải thiện độ ẩm trong nhà cũng hữu ích. Không khí khô trong mùa lạnh dễ làm khô niêm mạc mũi và đường hô hấp, gây khó chịu, tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp.
Sử dụng máy tạo độ ẩm để duy trì độ ẩm khoảng 40-60% trong nhà. Niêm mạc đường thở được duy trì độ ẩm phù hợp sẽ cản tác nhân gây bệnh từ bên ngoài lọt vào trong đường hô hấp, giảm nguy cơ kích ứng, hỗ trợ chức năng hô hấp. Tuy nhiên, không để độ ẩm quá cao vì có thể tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, ảnh hưởng không tốt đến phổi.
Ăn uống cân bằng
Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp. Nên bổ sung rau củ quả giàu vitamin C như cam, quýt, kiwi; thực phẩm chứa omega-3 như cá hồi, quả óc chó, hạt chia. Uống đủ nước ấm mỗi ngày để làm loãng dịch nhầy trong đường hô hấp. Hạn chế thức ăn, đồ uống lạnh bởi chúng kích ứng đường thở.
Tập thở
Duy trì các bài tập thở hoặc yoga giúp tăng dung tích phổi, cải thiện chức năng hô hấp. Khi thời tiết bên ngoài quá lạnh hay ô nhiễm, tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ hoặc chạy bộ trong nhà cũng có lợi. Người mắc bệnh phổi mạn tính nên cân nhắc chọn bài tập phù hợp thể lực, không gắng sức, tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Tránh xa khói thuốc lá
Không hút thuốc lá hoặc tránh tiếp xúc với khói thuốc cũng bảo vệ phổi trong mùa lạnh. Khói thuốc lá gây hại trực tiếp cho phổi, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp do giảm khả năng làm sạch của các tế bào trong phổi. Bác sĩ Lan khuyên người đang hút thuốc cố gắng cai thuốc sớm để bảo vệ phổi của chính mình và những người xung quanh.
Tiêm vaccine cúm
Tiêm vaccine cúm hàng năm và vaccine phòng bệnh hô hấp như phế cầu là biện pháp nâng cao sức đề kháng, chủ động bảo vệ sức khỏe hệ hô hấp. Giữ vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, tránh chạm tay vào mặt, che miệng khi ho hoặc hắt hơi... góp phần ngăn vi khuẩn, virus lây lan.
Khuê Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |