Ngoài nguy cơ mắc bệnh phụ nữ như ung thư cổ tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang và tiền kinh nguyệt, phái đẹp còn có thể gặp nhiều vấn đề khác. Nữ giới có xu hướng mắc các bệnh dưới đây cao hơn nam giới.
Bệnh nướu răng
Chảy máu, đau và tụt nướu, gọi chung là bệnh nha chu, có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim. Thay đổi về hormone, chủ yếu là estrogen, nhất là trong thời kỳ mang thai và mãn kinh, khiến phụ nữ dễ mắc bệnh nướu răng hơn.
Mất ngủ
Phụ nữ có nguy cơ mất ngủ cao hơn đàn ông. Mất ngủ có liên quan đến tình trạng dao động nội tiết tố, là triệu chứng phổ biến của hội chứng tiền kinh nguyệt.
Một số tác động của chứng mất ngủ cũng có thể ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ hơn, bao gồm trầm cảm, buồn ngủ ban ngày quá mức và trí nhớ kém, giảm khả năng tập trung.
Bệnh đường tiêu hóa
Phụ nữ cũng có nhiều khả năng mắc bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích và các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng khác hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng các tế bào thần kinh kiểm soát chuyển động của thức ăn qua ruột phản ứng với tín hiệu não ở phụ nữ chậm hơn nam giới. Điều này dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, rối loạn chức năng thể chất và đau mạn tính cao hơn.
Bệnh xương khớp
Cấu tạo cơ thể và hoạt động sinh lý nữ khiến hệ thống dây chằng và các khớp thuộc phần thân dưới, bao gồm khớp háng, khớp gối, khung chậu... phải co giãn, hoạt động nhiều. Trong khi đó, cấu trúc khớp và dây chằng lại yếu hơn nam, xương nhỏ, mỏng hơn nên khi cử động liên tục rất dễ tổn thương, tiến triển đau khớp cùng bệnh lý khớp.
Bên cạnh đó, sụt giảm nội tiết tố trong cơ thể (nhất là hormone estrogen) trong các giai đoạn chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sinh con, tiền mãn kinh, mãn kinh cũng khiến xương khớp phụ nữ suy yếu nhanh hơn nam giới. Điều này làm tăng quá trình hủy xương, lâu dần gây loãng xương, thoái hóa khớp.
Trầm cảm, lo âu
Thay đổi nội tiết tố có tác động đến chức năng thần kinh nên làm tăng nguy cơ trầm cảm ở phái nữ. Chức năng kiểm soát giải phóng corticotropin (CRF) ở phụ nữ kém hơn. Đây là loại hormone giúp giải quyết căng thẳng.
Bệnh về tiết niệu
Cấu tạo cơ thể là nguyên nhân chính khiến phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu nhiều hơn phái mạnh. Niệu đạo của nữ ở gần âm đạo và trực tràng, nơi có nhiều vi khuẩn sinh sống. Vi khuẩn từ đó dễ xâm nhập vào đường tiết niệu, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Quá trình mang thai làm tăng áp lực lên các cơ sàn chậu, cơ quan quan trọng hỗ trợ bàng quang và cổ bàng quang. Yếu tố này có thể tăng tỷ lệ mắc chứng tiểu không tự chủ ở phụ nữ đã sinh con.
Rối loạn ăn uống
Chứng rối loạn ăn uống có thể phát triển từ sự kết hợp giữa sinh học và trải nghiệm xã hội, có xu hướng ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn.
Phái đẹp dễ bị tác động bởi chuẩn mực cái đẹp, chẳng hạn thân hình gầy gò ngay từ khi còn rất trẻ. Khi bản thân không đáp ứng được với chuẩn mực này, họ dễ mắc chứng rối loạn ăn uống và các vấn đề về ngoại hình hơn đàn ông.
Bệnh tuyến giáp
Suy giáp (tuyến giáp không sản xuất đủ hormone) để điều chỉnh quá trình trao đổi chất, là vấn đề về tuyến giáp thường gặp ở nữ giới. Theo Hiệp hội Tuyến giáp Mỹ, phụ nữ có nguy cơ mắc vấn đề về tuyến giáp cao gấp 8 lần so với nam giới, cứ 8 phụ nữ thì có một người mắc bệnh trong đời.
Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng hầu hết rối loạn tuyến giáp đều do phản ứng tự miễn dịch gây ra, phổ biến hơn ở phụ nữ.
Bảo Bảo (Theo The Healthy)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |