Ngày 22/3, ThS.BS.CKI Diệp Phúc Anh, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, cơ thể trẻ làm mát bằng cách tăng tiết nhiều mồ hôi để giải nhiệt, nên dễ mất nước. Trẻ dễ ốm hơn do hệ miễn dịch thích nghi kém hơn người lớn. Khi vi khuẩn, virus tấn công gây bệnh, trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Nắng nóng, trẻ sinh hoạt, vui chơi, học tập hoàn toàn trong phòng máy lạnh dễ bị khô vùng niêm mạc mũi họng, sức đề kháng đường hô hấp suy giảm. Trẻ có xu hướng thở bằng miệng, tạo điều kiện cho bụi bẩn và các virus, vi khuẩn từ môi trường bên ngoài tấn công khiến amidan, VA (còn gọi là amidan vòm - một khối nằm ở nóc và thành sau của vòm họng) viêm nhiễm.
Do đường thở hẹp và ngắn, trẻ thường phải hít mạnh và thở nhanh hơn so với người lớn. Điều này làm trẻ hít nhiều không khí hơn, tăng nguy cơ tiếp xúc với virus, vi khuẩn gây bệnh. Nắng nóng làm bùng phát nhiều loại virus, vi khuẩn. Chúng đến từ bụi bẩn của máy lạnh không được vệ sinh thường xuyên, từ môi trường xung quanh khi trẻ tham gia hoạt động ngoài trời, tiếp xúc với nhiều người, dẫn đến lượng trẻ viêm amidan tăng nhanh, nhiều trường hợp tái phát.
Nhóm trẻ nguy cơ cao viêm amidan và dễ bị tái phát là tiền sử bệnh viêm xoang, viêm mũi họng, từng viêm amidan mạn tính, amidan hốc mủ.
Như bé Nam, 7 tuổi, đau họng, cổ họng cứng, sốt, nôn ói, bỏ ăn, mệt mỏi, đau bụng. Bé uống thuốc tại nhà không giảm, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Kết quả nội soi cho thấy amidan của bé Nam sưng đỏ, một lớp dịch vàng bao phủ ở họng. Bé Nam có tiền sử viêm mũi họng, tái phát nhiều lần, bác sĩ chẩn đoán viêm amidan.
Còn bé Ngọc, 8 tuổi, viêm amidan điều trị nội khoa ở nhiều nơi. Gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài, viêm amidan tái phát. Bé thường xuyên sốt, nghẹt mũi, chảy mũi, mệt mỏi, ho khan, bỏ ăn, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm amidan quá phát và viêm VA gây tắc nghẽn đường thở phải thở bằng miệng, biến chứng viêm đường hô hấp, viêm tai giữa.
Bác sĩ Phúc Anh lý giải bé thở bằng miệng nên vi khuẩn, virus có cơ hội tấn công vào khu vực vòm mũi họng khiến amidan bên phải và bên trái của thành họng sưng to. VA bị viêm và trở thành ổ nhiễm trùng.
Bé Ngọc được phẫu thuật cắt amidan bằng phương pháp coblator công nghệ plasma. Sau 30 phút, các ổ viêm được loại bỏ hoàn toàn, ít đau, hạn chế chảy máu. Bệnh nhi nói chuyện, ăn uống sau phẫu thuật ba giờ và xuất viện sau 24 giờ.
Triệu chứng viêm amidan, VA, gồm đau cổ họng, amidan sưng đỏ, sốt, đau đầu, nhói bên tai, cổ cứng, hơi thở có mùi hôi, bụng khó chịu, nôn ói, bỏ ăn, nghẹt mũi, khó thở, chảy nước mũi.
Viêm amidan, VA không được điều trị khả năng cao chuyển thành viêm amidan quá phát. Lúc này, amidan viêm và sưng to ở hai bên thành họng lấn vào trong, làm hẹp khoang họng khiến cho trẻ khó ăn, khó nuốt, khó thở, ngủ ngáy, ngủ không ngon giấc, ngưng thở khi ngủ, bất thường về phát âm, chậm phát triển thể chất.
Viêm amidan tái phát trên 5 lần một năm và không điều trị kịp thời dễ gây biến chứng như áp xe amidan, áp xe thành sau họng, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết, viêm mủ hạch cổ, viêm mũi xoang...
Phẫu thuật cắt amidan, phẫu thuật nạo VA được chỉ định trong các trường hợp như viêm amidan tái đi tái lại hơn 5 lần một năm; amidan phì đại gây tắc nghẽn đường thở trên, ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy; áp xe quanh amidan không cải thiện khi điều trị kháng sinh, vòi nhĩ bị tắc gây nhiễm trùng tai giữa, nhiễm trùng huyết...
Hiện phương pháp phẫu thuật cắt amidan và nạo VA hiện đại hơn rất nhiều, ít xâm lấn, ít gây biến chứng sau mổ cũng như thời gian hồi phục nhanh, theo bác sĩ Phúc Anh.
Để phòng ngừa viêm amidan ở trẻ vào mùa nắng, bác sĩ khuyến nghị ba mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, gồm cả nước trái cây, ăn nhiều rau xanh, thực phẩm có vitamin C, E, A; hạn chế cho trẻ ăn uống đồ lạnh. Tăng cường súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày. Không lạm dụng máy điều hòa và chỉ cho trẻ ở phòng lạnh với nhiệt độ 26-28 độ C.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |