Trả lời:
Amidan là hai khối mô lympho ở hai bên họng, thuộc vùng hầu họng và nằm giữa đường hô hấp. Amidan là hàng rào miễn dịch của cơ thể, có nhiệm vụ ngăn vi trùng có hại xâm nhập qua đường mũi họng, giảm nhiễm trùng đường hô hấp dưới.
Viêm amidan là tình trạng amidan viêm, sưng và nhiễm trùng. Nguyên nhân thường do virus gây ra, chiếm 70-85% các trường hợp và vi khuẩn chiếm 15-30% các trường hợp.
Viêm amidan cấp tính không được điều trị dứt điểm, tái đi tái lại hoặc viêm kéo dài trên 12 tuần được xếp vào viêm amidan mạn tính. Triệu chứng gồm nuốt vướng, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, ho kéo dài, đờm xanh hoặc vàng có thể lẫn sợi máu, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ...
Viêm amidan mạn tính thường đi kèm sưng mô lympho thành sau họng, tạo thành các hạt màu đỏ hoặc hồng ở niêm mạc họng, gọi là viêm họng hạt. Kích thước của những hạt này có thể to nhỏ khác nhau. Viêm họng hạt xuất hiện ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở người có sức đề kháng yếu, cơ thể suy nhược.
Chưa thể khẳng định viêm amidan mạn tính có thể chuyển thành ung thư. Nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy quá trình viêm amidan liên quan tới khởi phát ung thư sau nhiều năm. Khối u ung thư thường tập trung tại nơi xảy ra viêm nhiễm. Ung thư amidan do viêm amidan mạn tính cũng không phải ngoại lệ.
Trong quá trình viêm, bạch cầu hạt tiết ra các chất oxy hóa phản ứng hóa học, gốc tự do và các chất trung gian tiêu diệt mầm bệnh. Các yếu tố này có thể dẫn đến ung thư sau khoảng thời gian dài.
Một nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ Sinh học Mỹ (NCB) năm 2005 cho thấy những bệnh nhân viêm amidan mạn tính có nhiều khả năng ung thư amidan hơn và viêm amidan là yếu tố nguy cơ có thể gây ung thư amidan.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư amidan như hút thuốc lá, uống rượu thường xuyên, nhiễm virus HPV.
Viêm amidan mạn tính dễ dẫn đến biến chứng như áp xe amidan, ngưng thở khi ngủ, tăng nguy cơ tim mạch, đột quỵ, bệnh chuyển hóa như đái tháo đường...
Anh nên đi khám để bác sĩ đánh giá tình trạng viêm và tư vấn hướng điều trị sớm, phù hợp nhất. Người bệnh suy giảm miễn dịch, viêm amidan tái phát hơn 5 lần mỗi năm, kém đáp ứng với điều trị kháng sinh, mắc chứng ngưng thở khi ngủ thường được khuyến nghị cắt amidan.
Phương pháp cắt amidan bằng công nghệ Plasma có khả năng cắt, đốt, cầm máu tại chỗ, hạn chế tổn thương mô lành, thời gian hồi phục nhanh, xuất viện sớm.
Phẫu thuật amidan đơn giản nhưng cũng có thể xảy ra biến chứng, nhất là ở người mắc chứng máu khó đông, có bệnh lý nền khác. Người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa Tai Mũi Họng để phẫu thuật an toàn, tránh biến chứng.
ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Hương
Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |