Vài tháng nay thời tiết thay đổi, lúc nóng lúc lạnh, anh Hùng (33 tuổi, Hà Nội) ho khan nhiều, thường cảm giác khó thở, nặng ngực về đêm nên đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám. Bác sĩ đo chức năng hô hấp, chụp X-quang ngực, xác định anh mắc hen suyễn. Trước đó, anh từng nhiễm Covid-19 vào tháng 4/2022, sau đó ho dai dẳng dù khỏi bệnh nhiều tuần. Nghĩ do hậu Covid-19, anh tự mua thuốc ho về uống nhưng hết thuốc lại tái phát.
"Tôi không hiểu vì sao đột nhiên mắc hen suyễn trong khi trước khi nhiễm Covid-19 chưa từng có triệu chứng của hen, gia đình cũng không ai mắc bệnh này", anh Hùng bày tỏ.
Một trường hợp khác là chị Ngọc (40 tuổi, Hà Nam) từng mắc Covid-19 nặng, phải nhập viện điều trị. Đến nay, chị khỏi bệnh hơn 5 tháng nhưng vẫn còn ho, khó thở, khám tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội được chẩn đoán hen suyễn.
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thành Đô, khoa Hô hấp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đây là hai trong số các ca khởi phát hen suyễn sau mắc Covid-19 được ghi nhận thời gian qua. Người bệnh đến khám ban đầu vì nghĩ mình bị hậu Covid-19 với biểu hiện ho, khó thở, tức ngực kéo dài. Tuy nhiên sau khi thăm khám, làm các phương pháp thăm dò hô hấp, bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc hen suyễn. Nhiều trường hợp trước đó chưa từng có triệu chứng của hen suyễn, không có người thân mắc bệnh.
Tình trạng mắc hen suyễn sau khi nhiễm Covid-19 cũng được báo cáo ở một số quốc gia trên thế giới. Nghiên cứu tại Iran cho thấy tỷ lệ trẻ em mắc triệu chứng giống hen suyễn sau khi bị Covid-19 là 41,5%. Báo cáo cũng cho thấy hen suyễn dễ khởi phát hơn ở những người mắc Covid-19 nặng, đặc biệt là người trải qua cơn bão cytokine; người có cơ địa dị ứng, từng mắc viêm mũi dị ứng hoặc trong gia đình có người mắc hen suyễn.
Hiện cơ chế gây khởi phát hen suyễn sau mắc Covid-19 chưa được làm rõ do các nghiên cứu cần thêm thời gian theo dõi. Tuy nhiên có nhiều giả thuyết được các nhà khoa học đặt ra xung quanh vấn đề này.
Giả thuyết thứ nhất là khi nhiễm nCoV, hệ miễn dịch khởi động phản ứng viêm để ngăn chặn mầm bệnh, khiến đường thở bị thu hẹp, sưng lên và tạo ra chất nhầy. Theo thời gian, chất nhầy tích tụ dẫn đến khởi phát triệu chứng như ho, khò khè, đau ngực... Sau khi khỏi Covid-19, các mảnh virus vẫn còn tồn tại và gây rối loạn trong cơ thể theo một cách nào đó kể cả khi không còn khả năng lây nhiễm sang các tế bào.
Một giả thuyết khác là hệ miễn dịch trở nên hoạt động kém hơn và cần nhiều thời gian hồi phục sau khi mắc Covid-19. Do đó khi người bệnh tiếp xúc với yếu tố kích thích phổ biến như khói bụi, khói thuốc, phấn hoa, lông động vật, khi gắng sức... sẽ dễ khởi phát hen suyễn tiềm ẩn.
Giả thuyết tiếp theo giải thích cơ chế khởi phát hen suyễn ở người nhiễm Covid-19 nặng do cơn bão Cytokine. Sự gia tăng đột ngột nồng độ cytokine trong máu dẫn đến tăng viêm, khiến phổi bị tổn thương nặng nề, tạo ra những ảnh hưởng lâu dài đến hệ hô hấp của người bệnh sau khi khỏi Covid-19. Tình trạng viêm đường thở, co thắt phế quản đặc trưng trong nhiễm trùng đường hô hấp là sự khởi đầu của triệu chứng hen suyễn.
Triệu chứng hen suyễn dễ chồng lấp bởi bệnh đường hô hấp thông thường khác, do đó rất dễ bỏ sót. Để chẩn đoán chính xác, người bệnh cần thăm khám, thực hiện đo chức năng hô hấp, lưu lượng đỉnh kế, chụp X-quang ngực. Người bệnh cũng có thể tự đánh giá nguy cơ mắc hen suyễn của bản thân bằng cách tham khảo bảng sàng lọc của GINA (Chiến lược toàn cầu về xử trí hen) bằng cách trả lời các câu hỏi bên dưới:
1. Bạn có những cơn khò khè, thở rít hay những đợt khò khè, thở rít tái đi tái lại không?
2. Bạn có bị ho gây khó chịu vào ban đêm?
3. Bạn có bị thức giấc vì cơn ho hay khó thở bất cứ khi nào?
4. Bạn có bị ho, khò khè hay thở rít sau khi vận động thể lực (chạy, tập thể dục)?
5. Bạn có gặp vấn đề hô hấp vào mùa nhất định nào đó trong năm?
6. Bạn có bị ho, khò khè hay nặng ngực sau tiếp xúc với dị nguyên đường hô hấp (bụi nhà, nấm mốc...) hoặc các chất kích ứng (sơn, dầu, nước hoa...) không?
7. Bạn có bao giờ bị những đợt cảm lạnh dẫn đến viêm phổi hoặc phải điều trị hơn 10 ngày mới khỏi?
8. Các triệu chứng có thuyên giảm khi được điều trị bằng các thuốc điều trị hen phế quản không?
Nếu có từ 2 câu trả lời "có" trở lên, cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hoài Phạm
Từ ngày 1-30/11, BVĐK Tâm Anh Hà Nội tổ chức chương trình Khám, sàng lọc miễn phí hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Chương trình dành cho người trên 18 tuổi, có triệu chứng nghi ngờ hoặc đã từng mắc hen suyễn, COPD. Người bệnh được miễn phí khám và tư vấn với các chuyên gia hô hấp giàu kinh nghiệm, miễn phí đo chức năng hô hấp bằng thiết bị hiện đại để chẩn đoán chính xác hen suyễn, COPD và nhiều bệnh lý hô hấp khác. Độc giả có thể đăng ký tham gia bằng cách liên hệ Hotline 1800 6858 hoặc 024 7106 6858.