Bạo lực luôn luôn là sai trái, trừ khi nó được dùng để tự vệ cho an nguy của bản thân. Nhưng gần đây, tôi lướt phải một video trên TikTok. Trong video (được trích từ camera an ninh) là một chàng trai có vẻ đang rất tức giận với cô bạn gái của mình, cậu ta liên tục đấm rất mạnh vào bức tường phía sau lưng bạn gái và bắt đầu đập phá một vài đồ đạc xung quanh. Người bạn gái trông cực kỳ hoảng sợ và bắt đầu khóc. Lúc này, chàng trai ôm cô gái vào lòng và dỗ dành.
Điều khiến tôi sốc ở đây là đoạn video được chèn một đoạn nhạc tình cảm sướt mướt với chú thích: "Anh có thể đập nát cả thế giới, nhưng tuyệt đối không động đến em" và phía dưới là hàng ngàn bình luận theo hướng tung hô: "Thật ấm áp quá đỗi" hay "thà rằng tự làm đau mình chứ không đụng đến một cọng tóc của em"...
Nếu có tìm hiểu một chút về bạo lực gia đình thì các bạn sẽ hiểu, bạo lực thường không bộc phát ngay lập tức ở mức đánh người mà xuất hiện và phát triển dần dần từ các hành động nhỏ hơn như: xúc phạm đối phương bằng lời nói khi tức giận, đập phá đồ đạc xung quanh và rồi xâm phạm thân thể của người làm mình tức giận. Tôi hiểu những bình luận trên internet thật sự không phản ánh được cái nhìn của cả xã hội, nhưng khi những video như vậy lan truyền rộng trên một trang mạng xã hội mà theo thống kê có khoảng 40% gen Z là người dùng thì thật sự đáng lo ngại cho cái nhìn của giới trẻ về bạo lực.
Cách đây vài tháng, khi Will Smith bước lên sân khấu Oscar và tung cú tát về phía Chris Rock do mang bệnh tật của vợ mình ra để làm trò đùa, hành động của nam diễn viên đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới, kể cả trong cộng đồng người hâm mộ Smith. Rất nhiều người là fan cứng của anh chàng cũng đã lên án hành động sai trái này. Bản thân Will Smith sau đó đã thừa nhận hành động của mình là không đúng, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội và công khai xin lỗi đồng nghiệp.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở đây là khi sự việc này được đưa tin, lại đã có rất nhiều bình luận của người Việt ủng hộ hành động của Smith, cho rằng anh vô cùng "đàn ông", "quân tử", thậm chí là "anh hùng" khi dám đánh cược danh tiếng của mình để đứng lên bảo vệ danh dự của vợ bằng cách... bạt tai người khác. Tôi thật sự rất sốc khi đọc thấy những bình luận đó trên mạng xã hội, nhất là từ nhiều bạn có lẽ là còn rất trẻ.
>> Tôi nên người dù 30 năm chưa một lần bị ăn đòn
Đem suy nghĩ này chia sẻ với một người bạn, tôi được nghe câu chuyện tương tự từ chị. Gần đây, khi chị tâm sự với một người bạn thân, cả hai có nhắc đến sự vụ người chồng gây thương tích cho vợ vì nghi ngoại tình. Theo người bạn thân của chị "người vợ trong câu chuyện bị như vậy là rất đáng". Người bạn ấy đưa ra những luận điểm kiểu như: "Mình đã vào Facebook của anh chồng đó để xem, thật sự anh ấy là một người rất tốt, chăm chỉ làm việc lo cho vợ con. Vậy mà vợ còn đi ngoại tình thì bị trừng phạt thế là đáng lắm".
Chị bạn tôi thật sự rất sốc khi nghe những suy nghĩ ấy, nhưng dù có tranh luận như thế nào thì người bạn kia vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình. Có vẻ như người bạn đó không phân biệt được cái sai và cái ác. Theo tôi, cái sai là những hành động sai trái về mặt đạo đức, còn cái ác là những hành động bị pháp luật nghiêm cấm và có thể bị trừng phạt bằng bộ luật hình sự.
Và bạo lực thuộc về cái ác, vì một cá nhân nếu sử dụng bạo lực với người khác có thể truy tố. Cái ác thì không bao giờ bao biện được cho cái sai, dĩ nhiên rồi. Chị vợ trong câu chuyện kia nếu có ngoại tình thật thì đúng là chị ấy đã sai, nhưng không phải vì vậy mà người người chồng có thể đáp trả lại bằng một hành động bạo lực, độc ác như vậy.
Để đi tìm nguyên nhân của vấn đề "lãng mạn hóa bạo lực" của một bộ phận xã hội ngày nay thật sự không khó, vì nó nằm chính trong những thứ đang xảy ra trước mắt chúng ta hàng ngày. Thứ nhất là sự lên ngôi của nhiều văn hóa phẩm độc hại, cổ xúy cho việc lãng mạn hóa bạo lực như: phim ảnh hay một số sách ngôn tình độc hại. Ở đây, tôi không vơ đũa tất cả nhưng một số nhân vật trong đó có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của giới trẻ.
Gần đây, tôi tình cờ xem được một đoạn video cắt từ một chương trình hẹn hò trong nước, trong đó một người chơi chia sẻ về việc cô ấy đã đau đớn như thế nào khi phát hiện ra người yêu ngoại tình, nhưng lúc hỏi thì anh ta liên tục chối cho đến khi cô đưa ra được bằng chứng. Người dẫn chương trình sau khi suy nghĩ đã đưa ra lời khuyên: "Anh nói với em điều này, một khi anh ta còn chối, nghĩa là anh ta còn thương em".
Đây không phải là một câu chuyện về bạo lực, nhưng cũng là một câu chuyện mượn tình yêu để lãng mạn hóa cái sai. Tôi không hiểu vì sao một số người rất sẵn lòng chấp nhận việc bạo lực là nguyên nhân hoặc kết quả của tình yêu. Điều này ngoài lý do ảnh hưởng của văn hóa phẩm độc hại, phải chăng còn do bắt nguồn từ suy nghĩ "thương cho roi cho vọt" đã hằn sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ?
Ngày nhỏ mẹ đánh con rồi chườm đá lên lên chỗ bị đánh cho đỡ sưng và giảng giải về việc con đã làm sai, đó là vì mẹ yêu con. Vậy thì khi lớn lên con cũng có thể tát bạn gái nếu cô ấy làm gì sai, rồi lấy khăn lạnh lau má cho cô ấy? Và nếu bạn là nạn nhân của bạo lực, nhưng vì bản thân đã làm gì đó sai nên hoàn toàn xứng đáng nhận lấy cơn đòn đó, theo kiểu "vì anh ấy yêu nên mới ghen", "ghen nên mới đánh"... Hóa ra tất cả là vì yêu?
Từ một khía cạnh khác, tôi nghĩ xã hội Việt thật sự là một xã hội rất căm ghét bạo lực, bằng chứng là các vụ bạo hành trẻ nhỏ khi được đưa lên mặt báo đều gây ra sự căm phẫn rất lớn, bị cộng đồng lên án gay gắt. Tuy nhiên, khi bạo lực được phủ bóng bởi "tình yêu": chồng đánh vợ vì tổn thương, ghen tuông; bố mẹ đánh con vì yêu, vì muốn con tốt hơn... thì khi đó vấn đề bạo lực lại nằm trong một "vùng xám", đúng - sai nhập nhằng, gây nhiều tranh luận trái chiều.
Bạo lực đơn giản là sai – trừ khi được dùng để tự vệ bản thân. Tôi không phải là chuyên gia tâm lý học hay xã hội học nên thật sự không dám kết luận tất cả những nguyên nhân tôi nêu ra ở trên đều đúng. Tôi nêu lên vấn đề này rất mong nhiều gia đình, nhà trường, chuyên gia, nhà quản lý quan tâm hơn đến vấn đề này, đừng để một số bạn trẻ vì chưa phận định được đúng - sai, bị đầu độc bởi những văn hóa phẩm độc hại, và từ đó biến mình thành nạn nhân hoặc kẻ thủ ác của bạo lực.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.