"Ăn roi" là cụm từ rất phổ biến đối với thế hệ 8X. Những đứa trẻ lầm lũi nghèo khổ thường xuyên phải "tắm" những trận "mưa roi" của cha mẹ là chuyện mà hầu như ai cùng trang lứa với tôi cũng đều phải nếm trải. Ngày nào, trong xóm tôi cũng có đứa bị ăn roi.
Ăn roi vì nghịch ngợm buộc phong pháo vào đuôi chó rồi đốt để nó hoảng sợ lồng lộn lên chạy trốn. Ăn roi vì lỡ trèo hái mấy trái xoài xanh của bác hàng xóm. Ăn roi vì trốn ngủ trưa để tụ tập với đám bạn đi tắm sông. Ăn roi vì đói quá lỡ bốc nắm cơm nguội chấm với đường mía. Ăn roi vì bị cô giáo phạt... Lớn lên trong đòn roi khiến lũ trẻ chúng tôi khá ngạc nhiên khi một vài trường hợp cá biệt không bị ăn roi như mình.
Cha mẹ phạt roi cũng mỗi người mỗi kiểu. Người nhẹ nhàng thì bắt con nằm sấp xuống giường, kể tội rồi mới đánh. Ngọn roi tre giơ lên cao rồi quất vun vút xuống mông. Quằn mình vì đau đớn, đứa trẻ khóc thét lên, sau đó chỉ ấm ức khóc không ra tiếng. Sau khi ăn roi xong, đứa trẻ phải ngồi dậy xin lỗi, hứa không tái phạm.
Người mẹ, người cha đau lòng xót dạ nhưng bất lực không thốt ra được lời lẽ nghiêm khắc nhưng đúng đắn để dạy bảo, chỉ biết trút lên da thịt non nớt đứa con những trận roi đòn. Để rồi khi đêm xuống, con đã ngủ say, họ lại cầm đèn soi lên những lằn ngang dọc trên da con, xức dầu vào rồi xót xa, rưng rưng nước mắt.
Cũng có nhà dạy con theo kiểu sử dụng bạo lực là việc đương nhiên. Khi đứa bé làm cha mẹ không vừa ý, họ lại rượt đuổi con vòng vòng ngôi nhà hoặc đầu làng cuối xóm rồi quất roi vào lưng con như kẻ thù. Đứa bé lớn lên từ roi đòn dần dần cảm thấy ghét sợ cha mẹ. Chúng không có những cử chỉ âu yếm hay quan tâm đối với cha mẹ của mình.
>> Đòn roi như thế nào là răn đe?
Lần đầu tiên khi xem phim "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên", lũ trẻ chúng tôi rất ngạc nhiên khi cô bé Lo-ra nói: "Con yêu bố". Chúng tôi xúc động nghẹn ngào vì được chứng kiến tình cảm đẹp như thế. Lớn lên một chút, chúng tôi ít bị đòn hơn nhưng dường như bị chai sạn tình cảm, trở nên trơ lỳ, vô cảm khi nhìn thấy ai đó bị đánh, các cặp vợ chồng chửi nhau và ném vào nhau những cú đấm, hay tuôn ra những thứ rác ngôn ngữ.
Tôi còn nhớ như in lúc tôi mười tuổi, trong xóm có một anh thanh niên ăn trộm một con gà của ông trưởng ấp. Anh bị bắt trói. Người ta bắt anh mang một cái bảng gỗ ghi dòng chữ "Ăn trộm gà", rồi cột con gà vào lưng anh và dẫn đi khắp xã. Đến nhà nào anh cũng phải đứng trước cổng và tự khai: "Tôi là Nguyễn Văn A con ông B. Tôi phạm tội ăn trộm gà. Tôi xin hứa từ nay sẽ không tái phạm nữa".
Lũ trẻ con trong xóm cũng ào ào chạy theo, cầm cây quất vào lưng người thanh niên, xem anh như kẻ tội đồ. Đi hết xã, anh phải lặp đi lặp lại câu nói học thuộc lòng đến hàng trăm lần. Đến nỗi khi giải về tới nhà, anh lăn ra bất tỉnh. Không giọt nước mắt xót thương nào. Chỉ có cha anh lặng lẽ ra đỡ con dậy và chở đến thầy thuốc. Cha anh lầm lũi khóc, khóc vì tủi nhục hay khóc vì ông đã dạy con bằng roi đòn từ nhỏ, ông không có lời hay ý đẹp để dạy bảo con đến nỗi nó lớn lên trở thành một kẻ ăn trộm?
Mãi mãi sau này, khi chúng tôi đã đến tuổi U40, trở thành những người cha, người mẹ, những trận roi đòn từ nhỏ vẫn hằn sâu trong ký ức. Chúng tôi được đi học, biết hiếu nghĩa, biết yêu thương cha mẹ, nhưng chưa bao giờ tôi dám nói tiếng "thương" đối với cha mẹ mình. Thay vào đó là cảm giác kính trọng nhưng sợ hãi, xa cách. Cha mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng nói thật, tôi rất hãi hùng kiểu "thương cho roi cho vọt".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.