"Rác mạng" là thuật ngữ được nhiều người dùng để chỉ tình trạng người ta sử dụng không gian mạng để tung những nội dung thù địch, không chính xác, vô văn hóa lên các trang mạng xã hội nhằm gây sự chú ý, bóp méo sự thật... Đây cũng là một vấn đề nhức nhối trong thời đại phát triển 4.0 hiện nay.
Ngày nay internet và các trang mạng xã hội đã được đông đảo người trẻ sử dụng, lợi ích mang lại cũng rất lớn. Tuy vậy, tình trạng "rác mạng" cũng theo đó xuất hiện ngày càng nhiều và phức tạp. Từ những thông tin bịa đặt gây hoang mang, hiểu sai về một sự việc cho đến những thông tin nhảm nhí nhằm câu view, thu hút sự quan tâm của người dùng, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên và các bạn trẻ thích thể hiện bản thân.
Điều đặc biệt của những nội dung "rác" này là chúng có sức lan truyền vô cùng mạnh mẽ và khó kiểm soát. Đây thật sự là một "mối hiểm họa" với các bạn trẻ. Từ đầu năm đến nay, có rất nhiều nội dung nhảm nhí được đăng tải trên các trang mạng xã hội.
Mới đây nhất, một nam TikToker (người sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok) đã đăng tải đoạn video có những phát ngôn thiếu tôn trọng đối với người lớn tuổi, người yếu thế trong xã hội, như: "Hello bà già nghèo khổ", "lo mà bớt nghèo đi nha, không ai giúp đỡ mãi được đâu"...
Đoạn video sau khi đăng tải đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều và kèm theo sự phẫn nộ của cộng đồng mạng về cách hành xử thiếu chuẩn mực của nam TikToker. Tuy có hành động mang danh từ thiện, nhưng thái độ và cách nói chuyện của nam thanh niên lại mang đến cảm giác thiếu tôn trọng, thậm chí có phần miệt thị người yếu thế.
>> Video nhảm 'câu view' lên ngôi vì người xem ngày càng dễ dãi
Ngay sau khi nhận về hàng ngàn lượt bình luận tiêu cực, nam Tiktoker đã lên tiếng phân trần và xin lỗi. Tuy nhiên, đoạn video livestream của anh chàng tiếp tục nhận được vô số đánh giá tiêu cực của người xem khi vẫn thể hiện thái độ thách thức, bất cần thay vì nhận lỗi một cách chân thành.
Ví dụ kể trên chỉ là một sự việc trong vô vàn trường hợp "rác mạng" xuất hiện suốt từ đầu năm đến nay ở Việt Nam. Có vẻ như các nội dung "rác" như vậy đang không ngừng gia tăng và không có dấu hiệu dừng lại, bất chấp làn sóng phản đối vô cùng kịch liệt từ phía người xem. Đây là một hồi chuông báo động cho một bộ phận những người làm nội dung trên không gian mạng bất chấp các chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử hàng ngày để tạo ra nội dung không phù hợp, mang tính kích động, câu view, nhằm thu hút sự chú ý của người dùng.
Tôi thật sự thấy rằng, đây là một biểu hiện lệch lạc tư duy. Nhiều bạn trẻ làm công việc sáng tạo nội dung đang sẵn sàng tạo scandal, chiêu trò bẩn để được nổi tiếng. Việc xây dựng nội dung mang tính sáng tạo để thu hút người xem là không sai, nhưng đến mức bất chấp cả các chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử thông thường để "câu view" là điều không thể chấp nhận.
Vậy, cần làm gì để giảm bớt được tình trạng "rác mạng" ngày một tràn lan? Tôi nghĩ rằng, đầu tiên, bản thân chính người dùng chúng ta cần phải thay đổi tư duy, thái độ của mình. Khi gặp những nội dung bẩn như vậy, thay vì tiếp tay chia sẻ, chúng ta có thể báo cáo tới ban quản trị mạng xã hội, hoặc các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Kế đến, bản thân các trang mạng xã hội đang hoạt động cũng cần có biện pháp quản lý, kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ hơn các nội dung mà người dùng đăng tải. Đồng thời, các trang mạng cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý những người sáng tạo nội dung nguy hiểm, độc hại... trước khi chúng kịp tiếp cận tới đông đảo người dùng.
Và cuối cùng, quan trọng nhất, chính là ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân cần phải được nâng cao. Những sự việc xảy ra vừa qua chủ yếu bắt nguồn từ một bộ phận thiểu số người dùng vì thiếu hiểu biết, thiếu nhận thức, vì a dua, chạy theo hiệu ứng... mà tạo ra những sản phẩm thiếu văn hóa, lệch lạc, dung tục, kích động những hành vi xấu. Chính vì vậy, mỗi người cần phải được trang bị những kiến thức đúng đắn khi tham gia mạng xã hội; cần phải báo cáo ngay với các đơn vị chủ quản phần mềm nhằm ngăn chặn sự phát tán của những nội dung bẩn.
Hiện tại, Việt Nam đã có một bộ luật mang tên Luật An ninh mạng, việc ý thức triển khai và trách nhiệm của mỗi người cần được song hành. "Rác mạng" giống như rác thải thông thường, nó không thể bị loại bỏ trong ngày một, ngày hai, nhưng chắc chắn chúng sẽ không còn nhiều đất sống nếu chúng ta cùng chung tay dọn dẹp.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.