Kết quả siêu âm bụng cho thấy bé bị giãn dạ dày. Nội soi đường tiêu hóa trên ghi nhận loét hành tá tràng, kèm sẹo loét cũ, gây tắc đường ra dạ dày, viêm xung huyết toàn bộ niêm mạc dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản. Tắc đường ra dạ dày là tình trạng tắc nghẽn lưu thông thức ăn từ dạ dày xuống ruột non. Các tổn thương có thể nằm ở phần cuối dạ dày (hang môn vị) hoặc phần đầu ruột non (tá tràng).
Ngày 6/12, BS.CKI Lâm Bội Hy, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết vi khuẩn HP là nguyên nhân khiến bé Long bị loét dạ dày tá tràng. Vết loét nghiêm trọng và kéo dài gây sưng, hình thành mô sẹo, làm hẹp lòng dạ dày, cản trở quá trình tiêu hóa. Tình trạng nặng có nguy cơ thủng, xuất huyết dạ dày, tử vong nếu bé không được điều trị kịp thời. Bác sĩ truyền tĩnh mạch thuốc kháng tiết axit dạ dày trong 7 ngày. Tình trạng ổn định, bé ăn uống cải thiện, xuất viện và điều trị ngoại trú.
Vi khuẩn HP có thể lây qua đường miệng - miệng do tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch tiêu hóa của người bệnh, hoặc đường phân - miệng do môi trường sinh hoạt, ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Trẻ nhỏ có nguy cơ nhiễm khuẩn cao do thói quen mớm thức ăn, thơm má, hôn môi bé của người lớn. Sử dụng chung bát đũa, cốc nước với người mắc bệnh hoặc quên rửa tay sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với vật nuôi cũng có khả năng nhiễm khuẩn.
Bác sĩ Bội Hy cho biết cha hoặc mẹ nhiễm HP có nguy cơ lây cho con khoảng 30-50%. Trường hợp cha và mẹ bị nhiễm HP, tỷ lệ con bị lây nhiễm khoảng 70-80%. Ngoài ra, nguồn lây nhiễm còn từ những người thân khác trong gia đình, bạn bè do quá trình ăn uống chung.
Hầu hết trẻ nhiễm HP không có triệu chứng. Một số trường hợp xuất hiện biểu hiện do viêm loét dạ dày tá tràng gây ra, bao gồm chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn, sụt cân, chậm lớn. Tuy nhiên, triệu chứng này thường nhầm lẫn với các bệnh lý khác, dễ bỏ qua. Trường hợp nặng, trẻ nôn ra máu, đi ngoài màu đen. Trẻ nhiễm khuẩn có thể gặp biến chứng như khó tiêu, viêm dạ dày cấp hoặc mạn tính, loét dạ dày tá tràng, nặng hơn dẫn đến biến chứng thủng dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng.
Bác sĩ Bội Hy khuyến nghị cha mẹ phòng ngừa, tập cho trẻ thói quen sử dụng đồ dùng cá nhân riêng, ăn chín, uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Khi trẻ có triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nôn ói, mệt mỏi kéo dài, phụ huynh cần cho con đến cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị.
Ngọc Châu
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |