Nhiễm khuẩn sơ sinh vẫn là thách thức lớn đối với đội ngũ bác sĩ điều trị và các bậc phụ huynh. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện chiếm 5% tại các nước châu Âu, tại nước thu nhập thấp và trung bình giao động từ 5,7-19,1%. Trong đó, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng luôn ở mức cao.
Theo BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh - Trưởng khoa Sơ sinh - Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nhiễm khuẩn sơ sinh là tình trạng nhiễm khuẩn trên trẻ lứa tuổi sơ sinh (từ lúc sinh cho đến 28 ngày tuổi). Trẻ sơ sinh là đối tượng đặc biệt dễ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện do hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Cụ thể là ở những trẻ sơ sinh non yếu, vừa sinh ra đã phải cần nhiều thủ thuật xâm lấn vào cơ thể
Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu không chỉ ở những nước chậm phát triển, đang phát triển mà vẫn còn ở cả các quốc gia phát triển trên toàn thế giới. Nhiễm khuẩn bệnh viện có nguy cơ cao xảy ra ở các khoa như: khoa Sơ sinh, khoa Bỏng, khoa Hồi sức tích cực và đặc biệt ở những trẻ có can thiệp thủ thuật xâm lấn.
Dấu hiệu và nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn
Bác sĩ Phạm Lê Mỹ Hạnh cho biết, triệu chứng bệnh tùy thuộc vào loại nhiễm khuẩn. Trẻ thường có một giai đoạn ngắn quấy khóc hoặc biếng bú. Tuy nhiên, cần theo dõi nếu trẻ có những triệu chứng sau:
Thay đổi hành vi: trẻ ngủ nhiều hơn bình thường hoặc trẻ quấy khóc nhiều...
Thở nhanh (trên 60 lần/phút) hoặc có rối loạn nhịp thở (thở không đều, có lúc ngừng thở,...).
Bác sĩ kiểm tra nhịp thở của trẻ sinh non; da môi nhợt nhạt hoặc tím quanh môi; sốt hoặc hạ thân nhiệt; sưng mắt hoặc mắt chảy ghèn vàng; bú kém; ôn mửa hoặc tiêu chảy...
Bác sĩ Mỹ Hạnh cho biết có nhiều nguyên nhân gây nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh, cụ thể sau:
Yếu tố cơ địa của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh có tuổi thai càng thấp hoặc trẻ sinh ra thiếu cân, đặc biệt trẻ có cân nặng nhỏ hơn 1.500 gam có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn so với trẻ đủ tháng. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện thay đổi theo cân nặng của trẻ: ở trẻ 501 gam - 750 gam (26%); 751 gam - 1.000 gam (22%); 1.001 gam - 1.250 gam (15%); 1.251 gam - 1.500 gam (8%).
Ngoài ra, một số yếu tố cơ địa khác làm tăng nguy cơ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện ở trẻ sơ sinh gồm: trẻ ngạt khi sinh, suy giảm miễn dịch và tình trạng bệnh nặng.
Yếu tố can thiệp xâm lấn
Dụng cụ đặt trong lòng mạch: catheter tĩnh mạch ngoại biên, catheter tĩnh mạch rốn, catheter tĩnh mạch trung tâm, catheter động mạch. Nhiễm khuẩn huyết trên trẻ có đặt catheter mạch máu hầu hết đều do sai sót về nguyên tắc vô khuẩn trong quá trình đặt và duy trì catheter.
Đặt nội khí quản và thở máy: Viêm phổi liên quan đến thông khí hỗ trợ chiếm từ 6,8% - 32,3% trong tổng số các nhiễm khuẩn bệnh viện tại khoa hồi sức tích cực sơ sinh và đứng hàng thứ 2 trong các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện ở những trẻ sơ sinh bệnh nặng.
Những thủ thuật khác cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện ở trẻ sơ sinh gồm: đặt ống thông tiểu, phẫu thuật (đặc biệt phẫu thuật bong võng mạc sơ sinh - ROP, phẫu thuật tim bẩm sinh, thay máu, lọc máu, chạy thận nhân tạo, đặt ống thông dạ dày, nuôi ăn qua ống thông kéo dài...).
Yếu tố liên quan đến điều trị
Sử dụng thuốc ức chế thụ thể H2: làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện ở trẻ sơ sinh do làm giảm độ pH dạ dày, làm gia tăng sự phát triển quá mức và sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.
Sử dụng kháng sinh: sử dụng kháng sinh không đúng có thể dẫn đến kháng thuốc, giảm hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian điều trị và có thể tử vong.
Trẻ không được bú sữa mẹ và phải nuôi ăn qua đường tiêu hóa sớm hoặc nuôi ăn qua đường tĩnh mạch với lipid dạng nhũ tương làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn huyết bệnh viện.
Một số liệu pháp điều trị khác cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện ở trẻ sơ sinh gồm: sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, truyền máu, thay máu, bơm surfactant, thời gian nằm viện kéo dài.
Yếu tố môi trường
Các nguồn lây từ môi trường (không khí, nước, thức ăn, bề mặt môi trường buồng bệnh), từ người (trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn, nhân viên y tế, người nhà chăm sóc trẻ, khách thăm) đóng vai trò như nguồn chứa tác nhân gây bệnh. Nước trong các dụng cụ làm ẩm oxy, ống giúp thở và bình làm ấm, ẩm trong hệ thống CPAP và máy thở là nguồn gây ô nhiễm các loại vi khuẩn ưa nước và ẩm như Pseudomonas, Acinetobacter, Serratia. Môi trường lưu trữ sữa cho trẻ không bảo đảm an toàn (tủ lưu trữ, bảo quản và cấp đông sữa...).
Thiết kế khu vực chăm sóc trẻ sơ sinh, đặc biệt là khoa Hồi sức tích cực sơ sinh không bảo đảm nguyên tắc vô khuẩn, thiếu phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn, tình trạng quá tải trẻ sơ sinh là những yếu tố nguy cơ làm tăng nhiễm khuẩn bệnh viện.
Tuân thủ quy định kiểm soát nhiễm khuẩn của nhân viên y tế: Nhân viên y tế rửa tay không sạch trước và sau khi chăm sóc bé. Nhân viên y tế không phân luồng bệnh nhi, để những bé mắc các bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao nằm chung với trẻ bình thường.
Tuân thủ quy định kiểm soát nhiễm khuẩn của người tham gia chăm sóc trẻ: Người nhà bệnh nhi không mặc áo choàng, đội nón, không đeo khẩu trang khi chăm sóc bệnh nhi.
Tác nhân gây bệnh ở trẻ sơ sinh
Bác sĩ Phạm Lê Mỹ Hạnh cho biết, trẻ sơ sinh có nguy cơ nhiễm các bệnh như: Thủy đậu, viêm gan, HIV, Coxsackie, Echo virus, Liên cầu tan huyết nhóm B, Listeria, Haemophilus Influenzae, phế cầu, sốt rét. Ngoài ra, trẻ có thể nhiễm khuẩn do mẹ bị rỉ ối hoặc vỡ ối kéo dài: E.coli, Klebsiella, Pseudomonas, Proteus, Bacteria, tụ cầu, liên cầu nhóm B...Trẻ cũng có thể mắc bệnh do: Tụ cầu vàng, Phế cầu, Clostridium, trực khuẩn mủ xanh, Coliform, nấm candida. Ba tác nhân gây bệnh ở trẻ sơ sinh chính là: vi khuẩn, virus, nấm.
Vi khuẩn
Ba vi khuẩn thường gây nhiễm trùng sơ sinh sớm gồm: Liên cầu khuẩn nhóm B, Colibacille, Listéria. Ngoài ra, cũng có nhiều vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng truyền qua đường mẹ – thai nhi nhưng hiếm gặp như: Haemophilus, Méningococcus, Staphylococcus, Pneumococcus....
Virus
Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm virus trong bào thai, lúc sinh, hoặc sau khi sinh. Đa số nhiễm virus do trẻ hít hoặc nuốt phải vi khuẩn sống bình thường trong đường sinh dục của mẹ khi đi qua trong lúc sinh. Sau đó vi khuẩn hoặc virus đi vào phổi hoặc vào máu của bé. Một số loại virus như Herpes hay thủy đậu có thể gây ra bệnh nặng ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh non. Virus có thể đi vào máu của trẻ sơ sinh khi trẻ còn trong bụng người mẹ bị nhiễm virus này, hoặc nhiễm sau sinh nếu tiếp xúc với người mắc bệnh.
Nấm
Nấm miệng Candida là bệnh thường gặp ở trẻ em. Nấm Candida bình thường tồn tại ở da, hệ tiêu hóa, cơ quan sinh dục nữ. Trẻ em thường nhiễm nấm Candida trong lúc sinh khi mẹ bị nấm Candida âm đạo lúc mang thai. Miệng trẻ sơ sinh có pH thấp thuận lợi cho nấm phát triển. Những yếu tố thuận lợi khiến nấm ở miệng phát triển gây bệnh gồm miễn dịch trẻ chưa trưởng thành, vệ sinh răng miệng kém.
Tăng cường vệ sinh phòng ngừa nhiễm khuẩn sơ sinh
Khi trẻ ở bệnh viện
Để đảm bảo được điều kiện vô khuẩn, các nhân viên y tế phải: Thay quần áo blouse hàng ngày; có đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân như: mũ, khẩu trang hay găng tay khi điều trị hay chăm sóc cho trẻ; vệ sinh tay; vệ sinh khử khuẩn môi trường, trang thiết bị: giường bệnh, lồng ấp và phòng bệnh trẻ sơ sinh phải luôn luôn sạch sẽ.
Hướng dẫn người nhà
Chăm bé cần: tuân thủ vệ sinh tốt, thay quần áo thường xuyên, đầu tóc gọn gàng, không để tóc chạm vào mặt, đặc biệt là mắt bé. Gia đình hạn chế thăm nuôi khi trẻ nằm viện.
Khi trẻ rời viện về nhà
Gia đình cần vệ sinh phòng, các đồ vật, dụng cụ có thể tiếp xúc với trẻ trước khi đón trẻ xuất viện về nhà. Vệ sinh phòng bằng chất lau rửa sử dụng trong nhà có chứa xà phòng hoặc có hóa chất khử khuẩn được khuyến cáo an toàn cho trẻ, giúp làm giảm mầm bệnh trên bề mặt và giảm nguy cơ lây nhiễm từ bề mặt. Cha mẹ giữ phòng thông thoáng, không nấm mốc, tránh gió lùa mạnh. Gia đình bỏ tập tục sau sinh lạc hậu: kiêng tắm gội, nằm buồng tối, kín gió. Gia đình hạn chế thăm trẻ, không hôn em bé vì cơ thể bé còn non yếu, dễ nhiễm bệnh từ người thăm.
Cho trẻ bú mẹ
Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch yếu, trong sữa mẹ có các kháng thể giúp trẻ chống lại virus. Do đó, trẻ sơ sinh cần được bú mẹ, sữa mẹ là thức ăn quan trọng. Thực tế, có nhiều nghiên cứu cho kết quả, bú mẹ ít bị nhiễm khuẩn hơn trẻ bú bình.
Tắm, vệ sinh trẻ đúng cách
Đối với trẻ sơ sinh đặc biệt lưu ý trong việc chăm sóc các vùng da, rốn và mắt vì ở giai đoạn này, các vùng này rất nhạy cảm và dễ dàng bị nhiễm khuẩn.
Giữ thân nhiệt ổn định: Trẻ sơ sinh cơ thể non nớt, rất dễ hạ thân nhiệt sau sinh. Do đó, trẻ sinh ra phải giữ thân nhiệt ổn định không quá lạnh cũng không quá nóng. Cần lưu ý một số phụ huynh vì quá lo lắng trẻ bị lạnh, nên cho trẻ mặc quần áo hoặc quấn khăn quá dày, khiến trẻ nóng, khó chịu.
Tại bệnh viện, công tác phòng ngừa nhiễm khuẩn và củng cố hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn luôn là ưu tiên hàng đầu xuyên suốt quá trình vận hành bệnh viện. Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn đảm bảo việc kiểm tra - giám sát những vấn đề về kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện: môi trường sạch, kỹ thuật và dụng cụ chăm sóc bệnh vô khuẩn... Bên cạnh đó việc tuyên truyền và giáo dục người bệnh và người nhà cùng tham gia vệ sinh tay đã góp phần không nhỏ vào việc phòng bệnh và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, đặc biệt nhiễm khuẩn sơ sinh.
Tuệ Diễm