Trong 14 năm qua, ông Dương đã ba lần phẫu thuật cắt lọc tổn thương nhiễm trùng, vẫn giữ lại khớp nhân tạo nhưng không khỏi dứt điểm, đau, sốt, rò dịch kéo dài, thể trạng suy kiệt. Gần đây, nhiễm trùng lan rộng, trầm trọng, ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội điều trị. Kết quả chụp X-quang, xét nghiệm máu, chọc hút dịch khớp cho thấy xương bị ăn thủng, bạch cầu tăng cao, có vi khuẩn tụ cầu vàng tan máu tại vùng khớp bị tổn thương.
Ngày 1/11, ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền, Phó trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh nhân tái nhiễm trùng hậu thay khớp háng. Nếu tình trạng viêm chỉ khu trú ở khu vực bên ngoài, bệnh nhân có thể chỉ cần tiêm kháng sinh tĩnh mạch hoặc đường uống, cấp độ nặng hơn chỉ cần súc rửa, không loại bỏ khớp giả. Ông Dương bị tái viêm nhiều lần, ổ nhiễm trùng lan rộng, vết mổ chảy dịch, tiêu xương quanh ổ cối, đầu trên xương đùi, thậm chí lan vào tiểu khung và cơ thắt lưng chậu, chỉ còn cách tháo khớp. Nếu không can thiệp ngay, người bệnh có nguy cơ mất thêm xương, mất khả năng vận động.
Ông Dương bị suy thận, xơ gan còn bù, khối nhiễm trùng leo cao tạo khối áp xe lớn ở lưng. Phẫu thuật điều trị nhiễm trùng khá phức tạp, mất máu nhiều, thể trạng bệnh nhân yếu làm chậm tốc độ bình phục, nguy cơ tai biến cao, hay gặp nhất là nhồi máu cơ tim. Để loại trừ nguyên nhân sức khỏe suy kiệt do nhiễm lao, bác sĩ chỉ định cấy lao theo dõi trong quá trình người bệnh nằm dưỡng sức. Kết quả lao âm tính. Sau một tháng chăm sóc tích cực, người bệnh hồi phục đủ điều kiện mổ.
Ông Dương được chỉ định thay khớp giả hai thì. Ở thì một, bác sĩ tháo khớp giả, nạo vét toàn bộ tổ chức viêm, truyền kháng sinh kìm hãm nhiễm trùng và duy trì kháng sinh đường uống.
Sau 7 tuần, thể trạng ổn định, ông bước vào thì hai là thay khớp mới phục hồi vận động. Do tổ chức nhiễm trùng lan rộng, bác sĩ Quyền chọn khớp háng nhân tạo mới là loại có chuôi dài, điều chỉnh dựa theo thực tế mức độ tiêu xương, đảm bảo khôi phục tối đa tầm vận động cho người bệnh. Sau hai lần mổ, ông Dương hiện khỏe mạnh, tâm lý thoải mái, bắt đầu tập vận động.
Theo bác sĩ Quyền, thay khớp háng là phương pháp điều trị ngoại khoa tiên tiến, giúp khôi phục phạm vi chuyển động cho khớp trong các trường hợp thoái hóa biến dạng khớp, hoại tử chỏm xương đùi. Tuy nhiên, vẫn có một số biến chứng hậu phẫu, khoảng dưới 2% bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng, điển hình là nhiễm trùng khớp háng.
Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng sau thay khớp háng, một trong số đó là môi trường phẫu thuật không đảm bảo vệ sinh. Vật liệu nhân tạo dùng để thay khớp tạo điều kiện cho vi khuẩn có nơi bám dính và phát triển những màng chắn sinh học, giúp chúng ẩn nấp và né tránh hệ miễn dịch của cơ thể. Tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập có thể xảy ra ở da, các mô mềm xung quanh khớp hoặc lan sâu vào khớp nhân tạo. Người bệnh có thể bị nhiễm trùng ngay trong thời gian nằm viện, sau khi xuất viện hoặc nhiều năm sau khi phẫu thuật.
Điều trị nhiễm trùng sau thay khớp phức tạp và tốn kém hơn thay khớp nhiều lần. Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân thay khớp nhân tạo sau 2-3 tuần bị đau nhói khớp đột ngột, da xung quanh vết mổ đỏ, sốt cao, đổ mồ hôi ban đêm, mệt mỏi... cần đi khám.
Vân Anh
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |