Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng ổ bụng của bà Đinh Thị Giá cho thấy đường mật trong gan hai bên giãn rộng, ống gan phải 1,5 cm, trái 2,5 cm (bình thường khoảng 0,3-0,5 cm). Ống gan là một phần của đường mật vận chuyển dịch tiết từ gan vào ruột. Sỏi lấp đầy ống gan trái của người bệnh, kéo dài đến ống gan chung, kích thước 2,2x5,5 cm, kèm nhiều sỏi bùn và bùn mật đóng khuôn các nhánh phân thùy gan.
Ngày 7/6, BS.CKII Võ Ngọc Bích, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Giá bị nhiễm trùng đường mật nặng, cần phẫu thuật sớm để giải quyết tình trạng đau, nhiễm trùng, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Người bệnh từng được mổ hở hai lần lấy sỏi, gần nhất cách đây 10 năm, nên có nhiều mạc nối dính vào thành bụng và vùng dưới gan. Do đó, ca phẫu thuật khó khăn, phức tạp, bác sĩ phải thận trọng gỡ dính để không làm thủng ruột, tránh tổn thương các mạch máu lớn và đường mật.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ ghi nhận nhiều sỏi to từ gốc đường mật gan trái đến ngoại biên gan trái, viên sỏi lớn nhất 3x4 cm, xuất hiện nhiều ổ áp xe gây nhiễm trùng.
Sau khi lấy sỏi trong hai nhánh gan, bác sĩ cắt bỏ phân thùy 2 và 3 (trong tổng 8 phần thùy), tức 30% lá gan, tạo một đường hầm ống mật chủ để lấy sỏi và dẫn lưu đường mật qua đó. Việc tạo đường hầm giúp cho những lần lấy sỏi sau (nếu tái phát) dễ dàng hơn, hạn chế đau đớn cho người bệnh. Hậu phẫu, bà Giá phục hồi tốt, ăn uống lại sau hai ngày và xuất viện sau 6 ngày.
"Sỏi được lấy ra gần 99%, người bệnh không cần dùng thuốc khi xuất viện", bác sĩ Bích nói, thêm rằng người bệnh từng phẫu thuật lấy sỏi khả năng tái phát cao, cần khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng.
Sỏi đường mật trong gan còn gọi là sỏi gan, phổ biến ở châu Á. Sỏi gan là sỏi sắc tố, với thành phần chính là bilirubin, ở dạng viên và dạng bùn, tập trung thành từng đám hoặc nằm rải rác ở đường mật sâu trong nhu mô gan.
Nguyên nhân do ký sinh trùng xâm nhập vào đường mật, cùng với vi khuẩn khiến bilirubin không được hòa tan hoàn toàn, kết hợp với trứng, xác giun trong gan tạo thành sỏi. Sỏi đường mật còn hình thành do dịch mật ứ đọng hay đường mật chít hẹp, dị dạng đường mật, tắc nghẽn do khối u hoặc mắc bệnh huyết tán dẫn đến bilirubin dư thừa.
Sỏi đường mật không được điều trị dễ gây nhiễm trùng đường mật nặng, sốc nhiễm trùng máu, dẫn đến suy cơ quan, tử vong. Phát hiện sỏi sớm giúp quá trình lấy sỏi qua đường hầm hoặc cuộc mổ nhẹ nhàng hơn.
Bác sĩ Bích khuyến nghị phòng ngừa bệnh bằng cách uống khoa học, hợp vệ sinh, ưu tiên ăn chín uống sôi, xổ giun 6 tháng một lần. Người có tiền sử sỏi đường mật cần khám sức khỏe định kỳ mỗi năm hoặc khi có dấu hiệu bất thường nên đi khám ngay. Sỏi nhỏ thường có triệu chứng mơ hồ như đau bụng, khó tiêu, đau nhẹ ở vùng hạ sườn phải. Chúng phát triển lớn gây tắc nghẽn đường mật và có các triệu chứng rõ ràng hơn như đau quặn sườn phải, vàng da, vàng mắt, sốt lạnh run, chán ăn, sợ mỡ, sụt cân.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |