Ngày 25/2, PGS.TS.BS Triệu Triều Dương, Giám đốc chuyên môn Ngoại khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ông Minh nhiễm ấu trùng giun toxocara - loại ký sinh trùng thường có trong lớp lông hoặc chất thải của chó mèo. Ấu trùng giun đũa từ chó mèo thường gây tổn thương gan, phổi, thận, hệ thần kinh trung ương... Phần lớn người nhiễm toxocara không có triệu chứng, diễn tiến âm thầm và phát hiện khi đã biến chứng gây đau bụng, chướng bụng, sốt, khó tiêu, mất thị lực.
Ông Minh từng phẫu thuật tắc ruột một năm trước, nay tình trạng tái phát, điều trị nội khoa không khỏi. Ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám, chẩn đoán hình ảnh cho thấy viêm ở ruột, không có dấu hiệu ung thư đặc trưng. Kết quả xét nghiệm ông Minh dương tính với giun đũa chó mèo toxocara, tổn thương nang dịch phù nề ruột non và mạc treo ruột non. Ông cho biết gia đình nuôi 5 con chó và mèo, hàng ngày dành nhiều thời gian chăm sóc, có khi ngủ cùng chúng. Theo PGS Dương, đây có thể là nguyên nhân ông lây nhiễm giun đũa.
Các bác sĩ phẫu thuật ghi nhận ông Minh bị tắc ruột do toxocara. "Loại giun này gây biến chứng tắc ruột rất ít được ghi nhận trong y văn thế giới", PGS Dương nói, thêm rằng nhiễm toxocara dễ bị bỏ sót trong chẩn đoán do nhầm lẫn với các bệnh thông thường như sốt, phát ban, ngứa.
Sau ba tuần, sức khỏe của ông cải thiện, giảm đau hết dịch ổ bụng và không còn tắc ruột.
Toxocara là ký sinh trùng thuộc loại giun đũa chó mèo. Toxocara ký sinh ở ruột non vật chủ 60-90 ngày kể từ khi ấu trùng giun xâm nhập, nở và trưởng thành. Khi thải qua phân, trứng ủ bệnh trong đất và phát triển thành ấu trùng, khả năng lây nhiễm trong môi trường nhiều năm.
Con người nhiễm giun do ăn phải trứng toxocara phôi từ đất, nội tạng động vật chưa chế biến kỹ (chủ yếu là gan) có chứa ấu trùng. Ăn phải ấu trùng có vỏ bọc trong mô sống hoặc chưa nấu chín từ vật chủ như bò, đà điểu, gà, lợn, trái cây, rau quả chưa rửa sạch, cũng có thể nhiễm toxocara.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Theo PGS Dương, điều trị bệnh giun đũa chó mèo thường lâu dài, khó hồi phục khi ấu trùng xâm nhập nhiều cơ quan. Nguy cơ lây nhiễm giun có thể đến từ môi trường do chó mèo phóng uế bừa bãi tăng nguy cơ nhiễm giun ra đất, tiếp xúc với chó mèo thường xuyên... Gia đình nên đưa chó mèo đi khám, điều trị ký sinh trùng. Vệ sinh tay, thay quần áo sau khi tiếp xúc thú cưng hoặc các động vật khác. Xét nghiệm và tẩy giun cho người trong gia đình và vật nuôi định kỳ. Thực hiện ăn chín uống sôi, không nên ăn thịt sống, rau sống.
Người có yếu tố nguy cơ hoặc có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như phát ban gây ngứa, sốt, đau bụng, mệt mỏi... cần khám sớm. Nếu nghi ngờ do giun chó mèo, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm kháng nguyên, xét nghiệm chẩn đoán huyết thanh hoặc PCR.
Theo Thư Viện y khoa Mỹ, trên thế giới có khoảng 1,4 tỷ người nhiễm toxocara, vùng nhiệt đới có độ ẩm cao có xu hướng nhiễm bệnh nhiều hơn các vùng ôn đới. Có khoảng 26 triệu con chó và 23 triệu con mèo bị nhiễm toxocara. Riêng tại Việt Nam, số liệu từ Cục Thú y, cả nước có hơn 4,9 triệu hộ nuôi chó, mèo, tổng cộng 7,6 triệu con.
Lục Bảo
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |