Bé Nguyên đau bụng, nôn ói từng cơn khoảng một năm nay, tần suất mỗi tháng một lần, mỗi lần kéo dài vài ba ngày, uống men tiêu hóa không cải thiện, bác sĩ địa phương khám không phát hiện bất thường.
Bé đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám trong tình trạng gầy ốm, da xanh xao, đau bụng dữ dội, nôn ra dịch vàng. Kết quả chụp X-quang và cắt lớp vi tính (CT) ghi nhận dị vật dạng bọt khí ở đại tràng, bác sĩ nghi ngờ là tóc lẫn đồ chơi.
Ngày 21/8, tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Bình, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết búi tóc đã tồn tại lâu trong ruột bé, bởi thường dị vật nằm ở dạ dày ứ đọng thành cục, song trường hợp này tóc đã trôi xuống tới đại tràng.
Bác sĩ Bình đưa ra hai phương án điều trị. Trong đó nếu dị vật không quá lớn, không gây viêm dính sẽ nội soi đại tràng gắp ra. Trường hợp dị vật làm tắc ruột, thủng ruột, ê kíp Ngoại nhi sẽ phẫu thuật nội soi ổ bụng lấy.
Quá trình nội soi đại tràng, bác sĩ phát hiện búi tóc bện chặt dài hơn 20 cm, quấn lẫn nhiều đồ chơi nhỏ. "May mắn dị vật không bị viêm dính nên ê kíp rút búi tóc dài qua ngả hậu môn", bác sĩ Bình nói. Sau đó, bé hết đau bụng, ăn uống tốt, xuất viện sau hai ngày.
Người nhà cho biết bé không có bất thường tâm lý, bất ngờ khi bụng bé có búi tóc dài.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, khoa Ngoại Nhi, cho biết trẻ nhỏ ăn tóc do chưa đủ nhận thức hoặc có thể là hệ quả của tình trạng rối loạn xung động nhổ tóc. Đây là hội chứng Rapunzel (hội chứng những bé gái thích ăn tóc). Những rối loạn ăn uống này cũng có thể gặp ở trẻ tự kỷ hay có vấn đề tâm lý.
Trẻ bị đau bụng do dị vật khó xác định và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa thông thường. Trường hợp không phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây biến chứng tắc ruột, hoại tử ruột cần phẫu thuật cắt bỏ ruột. Khi trẻ có triệu chứng đau bụng kéo dài, bác sĩ Bình khuyến cáo phụ huynh nên đưa đến các cơ sở y tế uy tín để xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |