Theo Bộ Y tế, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ đàn ông uống rượu bia cao nhất thế giới (gần 80%) và ngày càng có xu hướng gia tăng. Đây được xem là thức uống không thể thiếu trong các buổi tiệc tùng. Tuy nhiên, rất ít người biết, rượu bia thả phanh gây hại rất lớn cho xương khớp.
Nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ (NCBI) cho thấy, sử dụng rượu trong một thời gian dài có thể cản trở quá trình tái tạo xương, làm giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, rượu bia có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp gối và viêm khớp háng cao hơn 1,8 lần so với người không uống rượu bia. Nguy cơ tái phát Gout tăng lên đến 75% khi thường xuyên uống 2 – 4 cốc bia/ngày.
Theo ThS.BS.CKI Ngô Tuấn Anh (Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP HCM), sau những buổi tiệc tùng, nhiều người bị đau cơ, đau khớp khắp cơ thể hoặc đau khớp cục bộ ở khớp háng, đầu gối, bàn chân, mắt cá chân và lưng. Lý do là trong rượu bia có chứa một lượng lớn ethanol, có thể làm mất nước và rối loạn điện giải trong cơ thể, gây đau nhức xương khớp sau khi sử dụng.
Hơn nữa, rượu bia còn làm tăng lượng axit uric trong máu, nguyên nhân chính yếu dẫn đến Gout với các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau ở các khớp ngón chân, mắt cá chân, đầu gối... Nếu không có giải pháp khắc phục phù hợp có thể làm biến dạng khớp và tàn phế.
Đặc biệt, một số nghiên cứu cho thấy, nghiện rượu bia lâu ngày có thể khiến xương chết dần. Nguyên nhân là do khi uống nhiều rượu bia sẽ làm nồng độ lipoprotein trong máu tăng cao, làm tăng các mảng xơ vữa và cản trở máu nuôi dưỡng đến các mô xương. Theo thời gian, mô xương không được nuôi dưỡng sẽ dần bị hoại tử.
Ngoài ra, ngồi nhậu lâu hoặc ngủ không đúng tư thế sau khi uống say có thể gây co cứng vùng khớp, hạn chế lưu thông máu, dẫn đến hiện tượng tê cứng và đau nhức khớp sau khi tỉnh dậy – bác sĩ Tuấn Anh cho biết thêm.
Uống rượu bia đúng cách để không hại xương khớp
Theo bác sĩ Tuấn Anh, để giảm nguy cơ đau nhức xương khớp, giúp hệ vận động khỏe mạnh vững vàng, cần sử dụng rượu bia ở mức chừng mực: không uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương ¾ lon bia 330ml (5%), một ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30ml (40%).
Bên cạnh đó, khi ngồi nhậu phải chú ý giữ lưng thẳng, hạn chế ngồi xếp gối và chỉ ngồi nhậu trong khoảng thời gian vừa phải để tránh ảnh hưởng đến các khớp. Đặc biệt, không pha chung rượu với bia hoặc dùng chung các loại thức ăn nhiều đạm với rượu, tốt nhất nên ăn nhiều rau xanh để làm loãng nồng độ cồn trong rượu...
Ngoài việc hạn chế nhậu, người có nguy cơ bệnh lý khớp (như người lớn tuổi, ít vận động, ăn uống thiếu khoa học, người có tiền sử đau khớp, người béo phì...) nên xây dựng lối sống khoa học thông qua chế độ dinh dưỡng hài hòa, cân đối; duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao đều đặn ít nhất 30 phút/ngày. Đặc biệt, nên bổ sung các dưỡng chất chuyên biệt từ sớm để chăm sóc xương khớp toàn diện từ bên trong. Điển hình như Eggshell Membrane, Collagen Type 2 không biến tính, Collagen Peptide, Turmeric Root, Chondroitin Sulfate...
Những tinh chất thiên nhiên này không chỉ là nguyên liệu thiết yếu thúc đẩy quá trình tái tạo sụn khớp, tăng độ bền và dẻo dai cho khớp, mà còn giúp giảm đau, giảm viêm khớp, giúp xương khớp chắc khỏe và hoạt động trơn tru.
Thông thường, tình trạng cơn đau nhức xương khớp sau khi uống rượu bia thường chấm dứt trong khoảng 1 – 2 ngày. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hơn 5 – 7 ngày, kèm theo dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến thăm khám tại các chuyên khoa cơ xương khớp uy tín để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp, BS Tuấn Anh khuyến cáo.
Trinh Ngô