Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà là nguyên nhân gây ra các bệnh bao gồm đột quỵ, thiếu máu cơ tim, đặc biệt là các bệnh về hô hấp như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và ung thư phổi. Dưới đây là những nhân tố góp phần gây nên tình trạng ô nhiễm không khí trong chính ngôi nhà bạn.
Nấm mốc
Sự tích tụ của nấm mốc trong môi trường ẩm ướt có thể khiến chất lượng không khí trong nhà kém đi và làm trầm trọng hơn các phản ứng dị ứng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu con người sống trong một ngôi nhà ẩm mốc sẽ có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe như ho mạn tính, tích tụ chất nhầy, thở khò khè, khó thở và làm các triệu chứng hen suyễn trở nên tồi tệ hơn.
Sản phẩm tẩy rửa nhà cửa
Các sản phẩm tẩy rửa có thể chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) như toluen, benzen và formaldehyde. Trong ngắn hạn, việc tiếp xúc với các hợp chất này có thể gây ra cảm giác nóng rát ở cổ họng và các vấn đề về hô hấp và đau đầu.
Khói thuốc lá
Khói thuốc lá cũng có thể bám trên quần áo người hút và cả những người xung quanh. Ngoài ra, lượng khói độc hại này còn ám vào thảm, sofa, rèm cửa... gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Theo các nhà khoa học, hàm lượng nicotin có trong khói thuốc lá cũng là một chất gây ung thư.
Nến
Nến chủ yếu được sản xuất từ sáp paraffin, một phụ phẩm của dầu mỏ và được xử lý bằng thuốc tẩy để làm trắng. Khi đốt cháy, nến giải phóng benzen và toluene... đây là những chất gây ung thư. Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho thấy việc tiếp xúc với các hạt từ ngọn nến đang cháy sẽ gây ra thiệt hại lớn hơn so với cùng một liều lượng khói thải diesel. Nghiên cứu khác của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cũng xác nhận nến thơm tạo ra nhiều muội than hơn nến không mùi. Theo đó, các hạt này có thể xâm nhập sâu vào phổi và gây hại cho hệ hô hấp. Nếu đốt nến quá 4 giờ sẽ tạo ra khí carbon vô cùng có hại.
Lông thú cưng
Lông và da chết của động vật cũng có thể gây kích ứng đường hô hấp. Theo các chuyên gia y tế, khi hít phải lông những loài thú cưng này, con người sẽ có các triệu chứng như bệnh hen suyễn, khó thở. Nếu lơ là và kéo dài tình trạng này, sẽ dễ dẫn đến viêm phổi, xơ phổi, tạo sẹo xơ thủng trên phổi, giãn phế quản. Nếu người bệnh có hút thuốc lá thì tình trạng bệnh sẽ càng nặng bởi lông và khói thuốc sẽ đóng cặn lại trong phổi.
Mạt bụi
Mạt bụi là một chất gây dị ứng phổ biến có thể tích tụ trên thảm hoặc các bề mặt khác trong nhà. Đây là những vi sinh vật cực nhỏ và sống chủ yếu nhờ vào việc ăn các tế bào da chết. Các sinh vật này không gây bệnh nhưng có thể gây các vấn đề về dị ứng. Mạt bụi cũng đào thải phân ra ngoài. Khi quá trình này diễn ra, một loại enzyme sẽ được giải phóng và dẫn đến các bệnh như hen và viêm mũi dị ứng (nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi).
Thảm trải sàn
Thảm chứa nhiều hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như toluen, formaldehyde và benzen. Đây là những chất gây ung thư đã được chứng minh. Bên cạnh đó, thảm cũng là nơi thu hút mạt bụi, góp phần gây ra bệnh hen suyễn.
Huyền My (Theo WHO, Best Health Magazine)