Viêm họng là tình trạng viêm niêm mạc vùng hầu họng. Khoảng 50-80% viêm họng hoặc đau họng là do virus như rhovirus, cúm, adenovirus, nCoV, parainfluenza... Các mầm bệnh do virus ít phổ biến hơn bao gồm herpes, virus epstein-barr, virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và coxsackievirus. Các trường hợp nghiêm trọng hơn có xu hướng do vi khuẩn và có thể phát triển sau khi nhiễm virus ban đầu.
Nhiễm vi khuẩn phổ biến nhất là liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A, gây ra khoảng 5-36% các trường hợp viêm họng cấp tính. Các nguyên nhân vi khuẩn khác bao gồm streptococci nhóm B và C, chlamydia pneumoniae... Viêm họng cũng có thể là một trong những triệu chứng của các bệnh nghiêm trọng khác bao gồm áp xe quanh amidan, áp xe thành sau họng, viêm nắp thanh quản... Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn như dị ứng, chấn thương, ung thư, trào ngược dạ dày thực quản... Dị ứng môi trường, tiếp xúc với hóa chất cũng có thể gây viêm họng cấp.
Hầu hết các trường hợp viêm họng xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Người lớn cũng có thể mắc bệnh nhưng với tỷ lệ thấp hơn. Trên toàn cầu, tỷ lệ viêm họng rất cao, chủ yếu ở các quốc gia kê đơn thuốc kháng sinh quá mức.
Vi khuẩn, virus có thể gây bệnh xâm nhập trực tiếp vào niêm mạc họng. Một số loại virus như rhovirus có thể gây kích ứng thứ phát do dịch tiết mũi. Trong hầu hết các trường hợp, có sự xâm lấn tại chỗ niêm mạc hầu họng dẫn đến tiết dịch quá mức và phù nề. Viêm họng không biến chứng và loại trừ các bệnh nghiêm trọng có các biểu hiện như sốt, xuất tiết amidan, đau hạch cổ, ban đỏ hầu họng, đau tai... Viêm họng nhiễm trùng không biến chứng, cả do virus và vi khuẩn, không có triệu chứng cứng hàm, không có tắc nghẽn đường thở... thường sẽ tự khỏi trong khoảng 5-7 ngày.
Nếu nguyên nhân do virus, các triệu chứng bao gồm ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc, nhức đầu và phát ban. Viêm họng do liên cầu tan huyết beta nhóm A thường khởi phát cấp tính, không có dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus như ho hoặc chảy nước mũi, có liên quan đến sốt, xuất tiết amidan và hạch cổ.
Viêm họng do virus Epstein-Barr (bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng) có thể gây đau đầu, sốt, phì đại amidan, tăng tế bào lympho và tế bào lympho không điển hình. Đau cơ và mệt mỏi là những triệu chứng thường gặp. Bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng có thể có cả hạch cổ trước và sau. Bệnh nhân có thể bị nổi hạch dai dẳng và mệt mỏi đến 3 tuần.

Cổ họng thường đau, rát, khó chịu khi viêm họng. Ảnh: Freepik
Kháng sinh thường bị lạm dụng trong điều trị viêm họng cấp. Nếu nguyên nhân là do virus thì kháng sinh sẽ không có tác dụng. Các biến chứng do vi khuẩn có thể là viêm nắp thanh quản, viêm tai giữa, viêm xương chum, viêm xoang, sốt thấp khớp cấp tính, viêm cầu thận sau liên cầu, hội chứng sốc độc tố... Các biến chứng do viêm họng được báo cáo với tỷ lệ dưới 1% bệnh nhân và có thể bao gồm viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thận và viêm màng não...
Để tránh tình trạng kháng kháng sinh trong điều trị viêm họng, bệnh nhân không dùng kháng sinh theo kinh nghiệm của cá nhân, mà không thăm khám bác sĩ. Rửa tay và vệ sinh cá nhân tốt giúp phòng ngừa bệnh lây lan sang những người khác trong nhà. Chủng ngừa vaccine cúm và bệnh bạch hầu có thể có ích trong việc phòng ngừa viêm họng. Súc miệng bằng nước muối và ăn lỏng khi viêm họng giúp giảm triệu chứng viêm.
Phần lớn các trường hợp viêm họng tự khỏi trong vòng 7-10 ngày. Nếu viêm họng kéo dài, biến chứng có thể do bệnh nhân không tuân thủ điều trị, kháng kháng sinh... Hầu hết người bệnh viêm họng do liên cầu cải thiện trong vòng 24-48 giờ sau khi điều trị. Các trường hợp tử vong rất hiếm nhưng có thể xảy ra do tắc nghẽn đường hô hấp trên.
Kim Uyên
(Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ)