Viêm họng làm cho nuốt đau và khó khăn hơn. Ăn uống thực phẩm phù hợp giúp giảm cơn đau do viêm và đẩy nhanh quá trình hồi phục. Tránh các loại thực phẩm không phù hợp có thể ngăn ngừa một số triệu chứng khó chịu. Dưới đây là gợi ý một số thực phẩm nên ăn và hạn chế khi viêm họng theo tờ Medical News Today (Mỹ).
Thực phẩm nên ăn
Thức ăn thích hợp cho người đau họng phải mềm và dịu nhưng vẫn đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, người bệnh không nên dùng đồ uống quá nóng vì cổ họng đã bị viêm sẽ càng bị tổn thương hơn.
Đồ ăn lạnh: kem trái cây, đá bào có thể giúp làm dịu cổ họng bị viêm. Trái cây mềm như chuối cũng sẽ làm dịu cơn đau hơn.
Nước ép lựu: các chất dinh dưỡng trong nước ép lựu có thể ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm viêm.
Nghệ: có đặc tính chữa lành, khử trùng và chống viêm. Bạn có thể dùng nghệ như một loại trà hoặc pha bột nghệ cùng sữa để uống.
Gừng: gia vị này có thể dùng dạng trà và bột. Gừng có đặc tính chống viêm có thể giúp giảm đau họng bằng cách giảm sưng và đau. Pha trà gừng bằng cách đun sôi một thìa gừng tươi băm nhỏ trong nửa lít nước.
Trà: có đặc tính chống viêm. Uống các loại trà ấm giúp người đau họng cảm thấy dễ chịu hơn. Súc miệng bằng dung dịch trà xanh cũng giảm đau họng sau phẫu thuật.
Sinh tố và sữa chua: là thức ăn mềm, mát có thể uống qua ống hút giúp người đau họng dễ uống hơn, đồng thời sinh tố hay sữa chua cũng làm dịu cơn đau họng.
Mật ong: là một loại đường tự nhiên, mật ong chống nhiễm trùng và hỗ trợ chữa lành vết thương. Lưu ý, trẻ dưới một tuổi không nên dùng mật ong vì có thể bị ngộ độc.
Trứng lộn: là nguồn cung cấp protein dồi dào mà cơ thể cần để phục hồi mô họng. Trứng lộn thường đủ mềm để không tác động mạnh đến cổ họng đang bị viêm.
Súp gà: các loại rau và thịt gà trong súp gà có đặc tính chống viêm và giúp thông đường thở, có thể làm giảm các triệu chứng đau họng.
Rau củ nấu chín kỹ: cà rốt, bắp cải, khoai tây và các loại rau khác cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho người bị đau họng. Bạn có thể nấu các loại rau củ chín mềm và nghiền với sữa ít béo và nghệ để thưởng thức.
Thực phẩm nên tránh
Thức ăn giòn, cứng: có nhiều cạnh sắc như bánh quy giòn, bánh mì nướng khô, các loại hạt hoặc rau sống có thể khiến cơn đau họng thêm khó chịu.
Trái cây và nước trái cây họ cam quýt: nhiều người uống nước cam khi bị cảm lạnh để có nhiều vitamin C. Tuy nhiên, nước trái cây họ cam quýt có thể khiến tình trạng đau họng nặng hơn do tính axit của chúng. Nước cam có thể gây kích ứng niêm mạc họng vốn đã vị viêm, làm tổn thương nặng hơn.
Rau củ muối chua: các món như dưa muối chua, cải chua có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm họng.
Nước cà chua: tính chua của cà chua có thể khiến tình trạng viêm họng tồi tệ hơn, giống như đồ ăn muối chua.
Gia vị cay: một số loại gia vị và thực phẩm cay như ớt, nước sốt nóng và nhục đậu khấu có thể làm cho tình trạng viêm nặng hơn.
Rượu: đồ uống và nước súc miệng có chứa cồn có thể gây ra cảm giác đau nhói ở cổ họng. Rượu cũng làm mất nước, không có lợi cho người bị viêm họng. Ngoài ra, mọi người cũng nên tránh hút thuốc, kể cả khói thuốc khi bị viêm họng.
Người viêm họng có thể áp dụng các phương pháp để giảm bớt các triệu chứng đau, sưng tại nhà như uống nhiều nước, súc họng bằng nước muối ấm, dùng kẹo ngậm, giữ mát họng. Người bệnh có thể uống thuốc giảm đau không kê đơn.
Đau họng có thể vì nhiều lý do từ cảm lạnh thông thường đến nhiễm trùng mono, nhiễm virus herpes, HIV... Các triệu chứng thường biến mất sau vài ngày. Nếu tình trạng đau họng kéo dài từ 6 ngày trở lên, bị sốt hoặc các triệu chứng khác thì người bệnh nên đi khám bác sĩ.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)