Bệnh gout là một bệnh lý gây viêm khớp, ảnh hưởng tới các khớp trên cơ thể như khớp cổ tay, ngón chân... Nguyên nhân gây bệnh gout là do cơ thể tích tụ quá nhiều axit uric. Thông thường, cơ thể sẽ đào thải axit uric qua nước tiểu, nhưng ở một số người, axit uric tăng cao đến mức bất thường, kết tinh ở các khớp. Với bệnh gout ở cổ tay, các tinh thể kết tinh từ axit uric sẽ tích tụ ở cổ tay, các gân xung quanh và trong không gian hoạt dịch (niêm mạc khớp) của cổ tay, gây đau và viêm.
Người mắc bệnh thận, tiểu đường, tăng huyết áp (huyết áp cao mạn tính), dùng thuốc điều trị ung thư, có các bệnh ngoài da như bệnh vẩy nến, viêm da, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, chấn thương cổ tay, thường xuyên căng thẳng, nam giới dưới 65 tuổi là đối tượng dễ bị gout cổ tay.

Người mắc bệnh gout cổ tay thường bị sưng, đau, cứng khớp cổ tay. Ảnh: Freepik
Bệnh nhân bị gout ở cổ tay thường bộc lộ các triệu chứng sớm và tăng nặng theo thời gian. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng tới một hoặc hai cổ tay, lan tới bàn tay của bệnh nhân. Dưới đây là những triệu chứng điển hình của bệnh gout cổ tay.
Sưng, đau cổ tay: Người bệnh thường bị sưng cổ tay, bàn tay, cảm thấy nóng, đỏ hoặc đau các khớp bị ảnh hưởng. Các triệu chứng kéo dài từ một đến 4 tuần.
Cứng khớp cổ tay: Khớp cổ tay bị cứng khiến bệnh nhân khó cử động do đau và sưng.
Sốt, đau đầu: Người bệnh bị sốt kèm đau đầu do tình trạng viêm khớp cổ tay gây đau đớn.
Tophi gout: Tophi là những khối axit uric tích tụ ở bên trong và xung quanh khớp. Tophi thường gặp ở những người bị bệnh gout lâu năm hoặc tiến triển.
Sỏi thận và các vấn đề về thận: Các tinh thể urat có thể tích tụ trong đường tiết niệu của người bệnh gout cổ tay, dẫn đến sỏi thận. Những người có các dấu hiệu ban đầu của tophi gout nhiều khả năng bị rối loạn chức năng thận hoặc suy thận.
Với các triệu chứng trên, bệnh gout ở cổ tay đôi khi bị chẩn đoán nhầm với bệnh lý khác gây ra các triệu chứng tương tự như viêm khớp. Do đó, bác sĩ sẽ xác định bệnh gout cổ tay bằng cách kiểm tra cổ tay, xem xét tiền sử gia đình. Bác sĩ có thể xét nghiệm máu axit uric, chọc hút khớp, chụp cắt lớp vi tính năng lượng kép (CT), siêu âm... để hỗ trợ quá trình chẩn đoán bệnh gout cổ tay. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mục tiêu điều trị bệnh gout là kiểm soát cơn đau khi bùng phát, ngăn ngừa đợt bùng phát gout trong tương lai.
Bệnh gout có liên quan đến các yếu tố nguy cơ cụ thể như uống nhiều rượu, ăn thực phẩm giàu purin (các hợp chất hóa học được tìm thấy trong thực phẩm tạo ra axit uric khi cơ thể tiêu hóa) gồm thịt đỏ, đồ uống có đường, hải sản. Nhằm phòng bệnh gout cổ tay, mỗi người cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh (ăn ít protein, uống sữa ít chất béo, ăn nhiều trái cây và rau quả), tránh các loại thực phẩm có thể làm bùng phát đợt gout.
Đặc biệt, người mắc bệnh cần hạn chế uống rượu, tập thể dục nhẹ nhàng (đi bộ, bơi lội, đạp xe), uống đủ nước giúp loại bỏ axit uric qua nước tiểu, nghỉ ngơi để điều trị cổ tay, chườm đá giúp giảm đau và sưng. Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng để điều trị gout ở cổ tay khi bệnh đã gây ra tổn thương cho cổ tay hoặc gân.
Minh Thúy (Theo Very Well Health)