Xuất huyết đường ruột hay xuất huyết tiêu hóa dưới là tình trạng chảy máu bắt đầu từ sau góc Treitz (giao điểm giữa ruột non và ruột già), ruột non, đại tràng, trực tràng, hậu môn.
TS.BS Phạm Hữu Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết lượng máu xuất huyết có thể ít, khó phát hiện hoặc chảy máu nhiều, mất kiểm soát. Triệu chứng đi kèm thường là mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, rối loạn tri giác, đi tiêu phân đen hoặc máu đỏ bầm, có mùi tanh.
Một số bệnh lý dưới đây có thể gây ra xuất huyết đường ruột.
Viêm ruột mạn tính gồm bệnh viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Cơ chế bệnh vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng chủ yếu liên quan đến yếu tố miễn dịch của cơ thể, di truyền, hệ vi sinh...
Một số loại vi khuẩn như e.coli, proteobacteria, actinobacteria tăng cao, trong khi chủng firmicutes và bacteroides sụt giảm, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột ở người mắc bệnh Crohn. Triệu chứng bệnh viêm ruột mạn tính thường gặp là xuất huyết đường ruột, máu lẫn trong phân.
Polyp đại tràng hình thành trong niêm mạc đại tràng làm chảy máu đường ruột, nguy cơ diễn tiến thành ung thư nếu không được theo dõi và điều trị hiệu quả.
Các khối u lành tính và ác tính ở ruột non, đại tràng hoặc trực tràng đều có thể dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa dưới.
Bệnh túi thừa là tính trạng những túi nhỏ phồng lên và nhô ra trong thành ruột, dễ viêm, thủng, dẫn đến chảy máu. Người bệnh cũng có thể sốt, đau bụng, thay đổi tính chất phân.
Các bệnh nhiễm trùng xảy ra ở ruột non, nhất là nhiễm ký sinh trùng (giun móc) cũng dễ làm chảy máu ruột non.
Tổn thương mạch máu xảy ra ở các mao mạch nhỏ, tĩnh mạch, động mạch trong lớp niêm mạc tiêu hóa cũng gây ra triệu chứng xuất huyết đường ruột. Nguyên nhân do hệ thống mạch máu này có cấu trúc thành mỏng, quanh co, giãn bất thường, dễ bị tác động dẫn đến chảy máu.
Một số nguyên nhân xuất huyết đường ruột khác, bao gồm bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, dò hẹp động mạch chủ ruột non, vỡ phình động mạch chủ bụng, giảm tiểu cầu, giảm chức năng tiểu cầu, suy thận mãn.
Bác sĩ dựa vào nguyên nhân, vị trí xuất huyết đường ruột để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Bác sĩ Tùng cho biết trường hợp nhẹ có thể uống thuốc kê đơn, truyền sắt qua đường tĩnh mạch hoặc đường uống để duy trì nồng độ hemoglobin. Nếu người bệnh bị chảy máu cấp tính nghiêm trọng, truyền hồng cầu là phương pháp cần thiết. Các biện pháp cầm máu đường ruột cũng có thể được thực hiện thông qua quá trình nội soi như tiêm cầm máu, kẹp clip (kẹp kim loại giúp cầm máu, vá vết cắt), đốt nhiệt, đốt argon plasma, đốt laser...
Xuất huyết đường ruột là tình trạng nguy hiểm, dễ gây thiếu máu, giảm thể tích máu, sốc, gây tổn thương cơ quan, có nguy cơ dẫn đến tổn thương vĩnh viễn, tử vong.
Bác sĩ Tùng khuyến cáo người bệnh nên chủ động phòng ngừa xuất huyết đường ruột bằng cách uống đủ nước mỗi ngày, ăn nhiều rau củ quả giàu chất xơ, không lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), không nhịn và tránh rặn khi đi đại tiện. Tầm soát ung thư trực tràng, ung thư đại tràng định kỳ giúp phát hiện và kiểm soát sớm khối u ác tính, polyp tiền ung thư.
Lê Thùy
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |