Mất cân bằng nội tiết tố thường diễn ra ở tuổi dậy thì, mang thai, tiền mãn kinh và mãn kinh. Một số yếu tố lối sống như căng thẳng, béo phì, rối loạn tiêu hóa cũng là nguyên nhân gây gây ra tình trạng này.
Căng thẳng
Căng thẳng ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Lúc này, cơ thể giải phóng hormone corticotropin làm giảm cảm giác thèm ăn, tăng hormone catecholamine kích thích phá vỡ mô mỡ.
Cortisol là hormone chống stress. Khi căng thẳng, cortisol tăng cao kích thích cơ thể thèm ăn thực phẩm nhiều đường, giàu chất béo, dễ thừa cân. Nữ giới thường ăn uống không lành mạnh, theo cảm xúc, bỏ bữa, ăn vặt lúc tâm trạng không vui.
Dù không tiêu thụ thực phẩm giàu calo, hormone cortisol cũng có xu hướng làm chậm quá trình trao đổi chất, đốt cháy ít calo hơn bình thường.
Cortisol có thể can thiệp vào các hormone kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt. Với phụ nữ mãn kinh, nồng độ hormone này cao hơn trong thời gian dài gây bốc hỏa, rối loạn giấc ngủ.

Căng thẳng kéo dài khiến phụ nữ dễ bốc hỏa. Ảnh: Freepik
Đường ruột kém
Lợi khuẩn trong đường ruột hỗ trợ cân bằng estrogen và điều hòa các hormone khác. Khi vi khuẩn đường ruột mất cân bằng, cơ thể khó hấp thụ chất dinh dưỡng, tích trữ chất béo và điều hòa lượng đường trong máu, tăng nguy cơ viêm khớp.
Sức khỏe đường ruột kém có biểu hiện như đầy hơi, chướng bụng, đau nửa đầu, mất ngủ, thừa cân. Ăn thực phẩm như sữa chua, kim chi... giúp bổ sung lợi khuẩn.
Béo phì
Thừa hoặc thiếu hụt hormone có thể dẫn đến béo phì và ngược lại. Các hormone leptin, insulin, hormone giới tính, tăng trưởng làm tăng cảm giác thèm ăn và cải thiện tốc độ đốt cháy calo để lấy năng lượng.
Ở người béo phì, khả năng tổng hợp insulin của tuyến tụy giảm kéo theo chức năng chuyển hóa glucose cũng giảm. Điều này tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 và hội chứng chuyển hóa.
Để cân bằng nội tiết tố, nữ giới cần cải thiện sức khỏe đường ruột, uống hai lít nước mỗi ngày, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, ưu tiên thức ăn có nguồn gốc thực vật, nhiều chất xơ.
Tập thể dục hàng ngày góp phần cải thiện nhu động ruột, loại bỏ độc tố, giữ vóc dáng cân đối. Nữ giới không nên uống rượu bia, hút thuốc lá; ngủ đủ giấc để hormone hoạt động tốt hơn, giảm căng thẳng.
Lê Nguyễn (Theo Hindustan Times)
Độc giả đặt câu hỏi về sức khỏe sinh lý tại đây để bác sĩ giải đáp |