ThS.BS Trần Ngọc Chọn, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tê mỏi tay khi chạy xe máy có thể là dấu hiệu cảnh báo hội chứng ống cổ tay. Đây là bệnh lý phổ biến, xảy ra do dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi qua các xương cổ tay. Bệnh thường gặp ở người sử dụng lực tay nhiều hoặc lặp lại một thao tác nhiều lần như tài xế, đầu bếp, nhân viên văn phòng, người lao động nặng...
Người bệnh thường có cảm giác tê bì tay chân, dị cảm, đau buốt hoặc bỏng rát vùng da chịu sự chi phối của dây thần kinh giữa (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út). Các triệu chứng thường nặng hơn vào ban đêm, có thể làm người bệnh thức giấc. Động tác gập, ngửa cổ tay hoặc tỳ đè lên vùng ống cổ tay như khi đi xe máy cũng làm cảm giác tê tăng lên.
Bệnh tiếp tục phát triển sẽ gây ra tình trạng rối loạn vận động, yếu ở cổ tay và các ngón tay với những biểu hiện đặc trưng gồm giảm sự khéo léo của bàn tay, khó cầm nắm, dễ đánh rơi đồ vật... Nặng hơn người bệnh có thể bị teo cơ, giảm chức năng và vận động bàn tay. Nếu điều trị chậm trễ, tình trạng chèn ép thần kinh giữa kéo dài khiến thần kinh bị xơ hóa và có nguy cơ không thể hồi phục hoàn toàn. Dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng hội chứng ống cổ tay ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tay, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Chọn cho biết nếu phát hiện sớm, hội chứng ống cổ tay có thể được điều trị khỏi hoàn toàn bằng các phương pháp bảo tồn như dùng thuốc kháng viêm, giảm đau đường uống hoặc tiêm; tập vật lý trị liệu với các bài tập được thiết kế riêng; mang nẹp cổ tay vào ban đêm hoặc liên tục cả ngày...
Trường hợp điều trị bảo tồn không hiệu quả, hoặc có dấu hiệu rối loạn cảm giác, teo cơ... bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nội soi là kỹ thuật được ứng dụng phổ biến trong điều trị hội chứng ống cổ tay. Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn với đường mổ nhỏ chưa đến 1 cm, giảm nguy cơ nhiễm trùng, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, thời gian phục hồi nhanh hơn, người bệnh có thể về nhà ngay sau mổ.
Hội chứng ống cổ tay chủ yếu xảy ra do thói quen sinh hoạt không đúng. Cổ tay được nghỉ ngơi đầy đủ giúp giảm căng thẳng, áp lực, hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả hơn. Người đi xe máy nên đeo găng tay để giảm ma sát giữa tay và tay lái, giảm tê bì; cân nhắc dùng thêm miếng đệm để tay nắm mềm, dày hơn, giúp tay cầm vừa vặn với nắm tay, giải phóng những điểm áp lực trên bàn tay.
Ngoài ra, khi làm việc, nên đặt tay đúng tư thế, giảm lực cổ tay và ngón tay khi đánh máy tính, sử dụng chuột máy tính. Tránh xách nặng khi đi chợ, sử dụng dụng cụ nấu nướng có kích cỡ và trọng lượng phù hợp để bàn tay và cổ tay không gắng quá sức... Người bệnh nên tái khám định kỳ hoặc ngay khi xuất hiện các bất thường.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |