Theo Mayo Clinic, nhiễm trùng tiểu (UTI) thường bắt đầu khi vi khuẩn trong ruột xâm nhập vào niệu đạo, nơi nước tiểu thoát ra. Đây là một trong những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thường gặp nhất ở phụ nữ, chiếm gần 25% tổng số các bệnh nhiễm trùng. Theo một số thống kê, có khoảng 50-60% phụ nữ sẽ bị mắc nhiễm trùng tiểu trong đời. Đôi khi tình trạng này cũng có thể tiếp tục tái phát và được gọi là nhiễm trùng tiểu mạn tính.
Do thói quen quan hệ tình dục
Theo các nhà khoa học, việc quan hệ tình dục có thể đẩy một số vi khuẩn xung quanh hậu môn hoặc âm đạo lên vùng niệu đạo. Đó là lý do tại sao các bác sĩ khuyên chị em nên đi tiểu sau khi giao hợp để giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi niệu đạo. Ngoài ra, một số các hoạt động tình dục khác cũng có thể làm tăng khả năng mắc bệnh nhiễm trùng tiểu.
Thời kỳ mãn kinh
Những phụ nữ lớn tuổi có thể ngạc nhiên khi thấy họ bắt đầu bị nhiễm trùng tiểu nhiều hơn sau khi trải qua thời kỳ mãn kinh. Theo TS Sandip Vasavada , giám đốc tiết niệu của Trung tâm Phẫu thuật Tiết niệu Nữ và Tái tạo Vùng chậu tại Bệnh viện Cleveland (Mỹ), nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự suy giảm estrogen sau mãn kinh. Ngoài ra, sự thiếu hụt estrogen cũng có khả năng làm thay đổi đường tiết niệu, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu.
Mắc một số bệnh lý khác
Theo Self, những bệnh lý phổ biến nhất liên quan đến bí tiểu có thể là nguyên nhân dẫn đến nước tiểu ứ đọng và góp phần khiến vi khuẩn gây nhiễm trùng tồn tại. Đó là các trường hợp như: chấn thương tủy sống, sỏi thận hoặc tổn thương dây thần kinh xung quanh bàng quang.
Ngoài ra, bệnh tiểu đường cũng là yếu tố có thể khiến nhiễm trùng tiểu tái phát nhiều hơn. Theo TS Sandip Vasavada lý giải, những tổn thương dây thần kinh trong bàng quang có thể làm giảm cảm giác muốn đi ngoài. Bên cạnh đó, những người mắc bệnh tiểu đường cũng thường có hệ thống miễn dịch yếu hơn nên họ có thể dễ bị nhiễm trùng tiểu.
Di truyền
Trong một cuộc nghiên cứu với hơn 1.200 phụ nữ bị nhiễm trùng tiểu và nhiễm trùng thận tái phát, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng một biến thể di truyền trong các thụ thể tế bào này có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhiễm trùng bàng quang và thận.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy có đến 6 trong số 14 gen ở người có thể liên quan đến khuynh hướng tái phát nhiễm trùng tiểu. Ngoài ra, tình trạng này còn phụ thuộc vào các con đường truyền tín hiệu của hệ thống miễn dịch và sự biểu hiện của các gen chi phối.
Cách phòng ngừa
Theo các chuyên gia y tế, nhiễm trùng tiểu kéo dài có thể gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Thông thường, biện pháp chữa trị cho tình trạng này là thuốc kháng sinh hoặc liệu pháp estrogen âm đạo.
Ngoài dùng thuốc, phái nữ cũng cần thực hiện những thay đổi sau để ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu tái phát: uống nhiều nước, không nhịn tiểu, tránh mặc quần lót hay quần jeans chật và lau từ trước ra sau mỗi khi đi vệ sinh.
Theo TS Sandip Vasavada, những biện pháp đơn giản có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu, bởi thói quen uống đủ nước và làm trống bàng quang rất hữu ích để ngăn vi khuẩn trong nước tiểu ứ đọng sinh sôi. Đặc biệt, việc lau từ trước ra sau giúp ngăn chất bẩn ở hậu môn đến niệu đạo.
Trong chế độ ăn hằng ngày, chị em cần tránh tiêu thụ các thực phẩm như: chất làm ngọt nhân tạo (soda, rượu và cà phê) hoặc những món quá chua (chanh, cam) vì có thể gây kích ứng bàng quang. Thay vào đó, mỗi người nên bổ sung nhiều rau và trái cây để cung cấp cho cơ thể tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết. Một số các thực phẩm kháng sinh có lợi mà bạn có thể thêm vào chế độ ăn là quả việt quất, men vi sinh.
Huyền My (Theo Self)