Khó thở là cảm giác tức ngực, người bệnh không thể hít thở sâu, nạp đủ không khí vào phổi, dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Khó thở cấp tính kéo dài vài giờ tới vài ngày, trường hợp kéo dài hơn 4-8 tuần được coi là mạn tính. Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hồng Thắm, khoa Hô hấp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, dấu hiệu cho thấy một người đang bị khó thở bao gồm thở gấp, thở nhanh, thở khò khè, tức ngực, hết hơi, tim đập nhanh, ngột ngạt, ho khan... Người đang mắc các bệnh lý về tim, phổi, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh... cũng có nguy cơ gặp tình trạng này.
Một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng khó thở mạn tính gồm:
Hen suyễn: Khó thở là một trong số các triệu chứng của bệnh hen suyễn do tình trạng viêm và co thắt đường gây thở gây ra.
Suy tim: Là bệnh khiến tim không bơm đủ máu để cung cấp oxy cho cơ thể, tình trạng này có thể khiến chất lỏng tích tụ trong phổi, gây khó thở.
Bệnh phổi: Tổn thương mô phổi do các bệnh như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi, ung thư phổi có thể gây ra chứng khó thở.
Béo phì: Thừa cân có thể làm căng phổi và gây ra tình trạng khó thở.
Thể lực kém: Tình trạng mất sức do ít vận động hoặc bệnh tật cũng có thể gây khó thở.

Khó thở có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe. Nguồn: Health
Các yếu tố gây khó thở cấp tính bao gồm:
Dị ứng: Nhiều người cảm thấy khó thở khi bị phản ứng dị ứng. Một số phản ứng dị ứng có thể đe dọa tính mạng như sốc phản vệ. Đây là phản ứng nghiêm trọng có thể dẫn tới nhịp tim tăng, phù nề lưỡi và miệng, đường thở đột ngột bị thu hẹp gây khó thở.
Lo lắng: Lo lắng có thể gây ra tình trạng tăng thông khí (thở nhanh, nặng nhọc) gây khó thở.
Nghẹt thở: Xảy ra khi có vật lạ mắc trong cổ họng hoặc khí quản, cản trở luồng không khí lưu thông gây khó thở.
Thuyên tắc phổi: Đây là trường hợp y tế khẩn cấp, xảy ra khi bệnh nhân có cục máu đông trong phổi. Bệnh nhân được cấp cứu kịp thời sẽ tăng đáng kể cơ hội sống, tránh tổn thương vĩnh viễn.
Nhồi máu cơ tim cấp: Sự tắc nghẽn làm ngừng lưu thông máu đến tim có thể gây khó thở nghiêm trọng, cần nhập viện gấp.
Nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng như viêm phế quản hoặc viêm phổi có thể tạo ra chất nhầy chặn luồng không khí đến các bộ phận của phổi. Điều này dễ gây cản trở quá trình khuếch tán oxy vào máu.
Chấn thương: Gãy xương sườn có thể gây đau đớn và khó thở. Chảy máu và thiếu máu cũng làm giảm số lượng tế bào hồng cầu, giảm lượng oxy vận chuyển trong máu đến tế bào gây nên khó thở.
Nhiệt độ: Quá nóng hoặc quá lạnh cũng dễ khiến bạn cảm thấy khó thở.
Tình trạng khó thở kéo dài có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như giảm mức độ nhận thức tạm thời hoặc vĩnh viễn, tổn thương não, hoại tử não, thậm chí đột quỵ. Theo bác sĩ Hồng Thắm, điều trị chứng khó thở tùy thuộc vào bệnh và cá thể, có thể bao gồm tập thể dục để tăng cường chức năng tim phổi, áp dụng các kỹ thuật thở, uống thuốc với các trường hợp được bác sĩ chỉ định, sử dụng liệu pháp oxy.
Có thể chẩn đoán chứng khó thở thông qua việc khám sức khỏe toàn diện, khai thác kỹ bệnh sử (tần suất xuất hiện chứng khó thở, mỗi lần kéo dài bao lâu, mức độ thế nào...). Bác sĩ có thể kết hợp chỉ định thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng để tìm nguyên nhân gây khó thở như chụp X-quang ngực, chụp cắt lớp (CT scanner), đo điện tâm đồ (ECG), làm xét nghiệm đo xoắn ốc, các xét nghiệm máu cần thiết.
Người bệnh có thể tự ngăn ngừa hoặc giảm bớt tình trạng khó thở bằng cách tránh xa khói thuốc, tránh hít các hóa chất gây kích ứng phổi (khói gỗ, khói sơn, khói hóa chất), duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục hàng ngày...
Bác sĩ Hồng Thắm khuyên, khi cơ thể có các dấu hiệu khó thở kéo dài, đau ngực kết hợp đổ mồ hôi, buồn nôn, tim đập nhanh, sốt cao, thở khò khè, đầu ngón tay hoặc môi xanh, sưng mắt cá chân hoặc bàn chân nên thăm khám bác sĩ.
Mai Linh