Bệnh gây tổn thương thần kinh có thể xảy ra với cả tiểu đường type 1 và type 2, do không kiểm soát tốt đường huyết, lượng đường trong máu cao làm hỏng các dây thần kinh. Bệnh ảnh hưởng đến dây thần kinh cảm giác và dây thần kinh vận động, gây đau, mất cảm giác và yếu cơ. Có bốn loại tổn thương thần kinh:
Bệnh thần kinh ngoại biên liên quan đến các dây thần kinh nhỏ ở bàn tay và bàn chân, thường ở cả hai bên cơ thể tỷ lệ tổn thương bằng nhau.
Bệnh thần kinh gần ảnh hưởng đến các dây thần kinh kiểm soát các cơ lớn trong cơ thể như ở đùi và vai, thường không đối xứng.
Bệnh thần kinh tự chủ gây ra các triệu chứng cản trở tiêu hóa, tiểu tiện, huyết áp và chức năng tim.
Bệnh thần kinh khu trú ảnh hưởng đến việc kiểm soát một vùng của cơ thể như cánh tay và không nhất thiết phải ở cả hai bên cơ thể.
Bệnh thần kinh tiểu đường xảy ra do cả sự khử myelin và tổn thương sợi trục. Mất myelin là tổn thương lớp mỡ bảo vệ (myelin) bao quanh các dây thần kinh. Tổn thương sợi trục là sự phá hủy chính dây thần kinh. Dưới đây là một số yếu tố dẫn đến bệnh thần kinh tiểu đường.
Tổn thương vi mạch: Các mạch máu nhỏ cung cấp máu giàu oxy cho các dây thần kinh bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn hoàn toàn vì tổn thương mạch máu do bệnh tiểu đường.
Viêm: Các vùng tổn thương thần kinh xuất hiện do tiểu đường làm các tế bào bị viêm.
Bất thường về trao đổi chất: Sự thay đổi hóa học dẫn đến việc sản xuất đường và protein được phát hiện là làm tổn thương dây thần kinh.
Tất cả những yếu tố này ngăn cản các dây thần kinh nhận các chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động bình thường và tồn tại. Theo thời gian, các dây thần kinh bị thoái hóa. Sau cùng, các cơ được cung cấp bởi các dây thần kinh này có thể bị teo.
Các nguyên nhân khác có thể gây bệnh thần kinh ở người tiểu đường như sau:
Di truyền học: Theo nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ, những thay đổi trao đổi chất lâu dài của bệnh tiểu đường có liên quan đến một số gene. Với những thay đổi này, một số protein cần thiết để duy trì các dây thần kinh khỏe mạnh không còn được sản xuất nữa, dẫn đến bệnh thần kinh do tiểu đường. Các nhà nghiên cứu đang xem xét về việc sử dụng cơ chế gene này để phát triển các phương pháp điều trị làm chậm sự tiến triển của bệnh thần kinh tiểu đường.
Tim mạch: Bệnh tiểu đường gây ra những thay đổi trong các mạch máu nhỏ khắp cơ thể, làm giảm lượng máu cung cấp cho các cấu trúc như dây thần kinh, mắt và thận. Nguồn cung cấp máu thấp khiến các mô không nhận được oxy và chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến thoái hóa tế bào và mô, thoái hóa dây thần kinh góp phần gây ra bệnh thần kinh. Ngoài ra, hệ thống tim mạch bị ảnh hưởng bởi bệnh thần kinh tiểu đường tự chủ, có thể dẫn đến sự bất thường trong việc điều hòa huyết áp và nhịp tim, làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim và đột quỵ.
Lối sống: Bệnh tiểu đường không được kiểm soát kém với đường huyết cao liên tục có thể đẩy nhanh sự phát triển của bệnh thần kinh tiểu đường. Các yếu tố lối sống có thể gây tổn thương thần kinh, viêm hoặc các vấn đề về mạch máu, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thần kinh. Các yếu tố nguy cơ như ăn uống quá mức và không lành mạnh, suy dinh dưỡng (không nhận đủ calo, vitamin, khoáng chất, protein, chất béo và carbohydrate trong chế độ ăn uống), hút thuốc lá, hóa trị, mắc bệnh phổi, tiếp xúc với độc tố môi trường.
Các cách để giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của bệnh thần kinh tiểu đường là kiểm tra đường huyết thường xuyên, cố gắng duy trì đường huyết ở mức khỏe mạnh và ổn định. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh nhưng đầy đủ chất dinh dưỡng, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, không hút thuốc và uống rượu để ngăn ngừa hoặc làm chậm bệnh thần kinh tiểu đường phát triển.
Mai Cat
( Theo Very Well Health)