BS.CKI Trần Đông Hải, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh tiểu đường type 2 được điều trị, chăm sóc đúng cách có thể sống khỏe, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Song, nếu kiểm soát không tốt đường huyết có thể dẫn đến 4 biến chứng thường gặp dưới đây.
Mắt
Theo thời gian, tiểu đường type 2 ảnh hưởng đến mắt, gây bệnh võng mạc tiểu đường, phù hoàng điểm (thường phát triển cùng với bệnh võng mạc tiểu đường), đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, mất thị lực, thậm chí mù lòa.
Bệnh võng mạc xảy ra khi lượng đường trong máu cao làm hỏng các mạch máu trong võng mạc (lớp tế bào nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau của mắt). Các mạch máu bị tổn thương, sưng lên, rò rỉ, làm mờ mắt, ngừng lưu thông máu ảnh hưởng đến thị lực.
Võng mạc tiểu đường là bệnh về mắt phổ biến, gây mù lòa ở người lớn, thường ảnh hưởng đến cả hai mắt. Người mắc bệnh tiểu đường type 2 càng lâu, càng có nhiều khả năng phát triển bệnh võng mạc mắt. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh võng mạc mắt bao gồm lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol quá cao, hút thuốc lá. Bệnh võng mạc tiểu đường có 2 giai đoạn chính.
Giai đoạn đầu (không tăng sinh): Các thành mạch máu trong võng mạc yếu đi, phình ra, tạo thành các túi nhỏ (làm rò rỉ máu, các chất lỏng khác) khiến điểm vàng trong võng mạc sưng lên (còn gọi là phù hoàng điểm) ảnh hưởng tầm nhìn. Phù hoàng điểm là nguyên nhân phổ biến dẫn đến mù lòa ở những người bệnh võng mạc tiểu đường.
Giai đoạn tiên tiến (tăng sinh): Trong giai đoạn này, võng mạc bắt đầu phát triển các mạch máu mới. Các mạch máu mới này rất dễ vỡ, thường chảy máu vào thủy tinh thể. Khi chảy máu nhẹ, người bệnh sẽ thấy một vài đốm đen nổi lên. Nếu chảy nhiều máu, tầm nhìn bị chặn hoàn toàn.
Các triệu chứng ở giai đoạn nặng có thể bao gồm: mờ mắt, các đốm hoặc hình dạng tối trong tầm nhìn, ảnh hưởng việc nhìn thấy màu sắc, mất thị lực. Theo bác sĩ Hải, trong giai đoạn đầu, bệnh võng mạc mắt khó phát hiện nên người bệnh cần đi khám mắt ít nhất mỗi năm một lần để tầm soát bệnh. Người bệnh tiểu đường type 2 cần thường xuyên kiểm soát lượng đường trong máu giúp bảo vệ thị lực lâu dài hơn.
Suy thận
Bệnh thận do tiểu đường ảnh hưởng đến khả năng của thận trong việc loại bỏ các chất thải, chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Theo thời gian, bệnh thận làm hại đến hệ thống lọc của thận, giai đoạn sớm bệnh nhân có thể tiểu ra đạm, nếu không kiểm soát có thể tiến triển thành suy thận nặng dần. Cuối cùng, bệnh diễn tiến đến suy thận giai đoạn cuối và đe dọa tính mạng.
Người bệnh tiểu đường type 2 cần duy trì lối sống lành mạnh (tập thể dục thường xuyên mỗi ngày ít nhất 30 phút, hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều đường), kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp để ngăn hoặc giảm biến chứng gây suy thận.
Tim mạch và đột quỵ
Lượng đường huyết cao có thể làm hỏng mạch máu não, động mạch vành, gây xơ vữa và dễ tạo huyết khối. "Những người bệnh tiểu đường có xu hướng phát triển bệnh tim ở độ tuổi trẻ hơn, đột quỵ cao gần gấp đôi so với người lớn không bệnh tiểu đường", bác sĩ Hải cho biết. Các yếu tố gây bệnh tim, đột quỵ ở người tiểu đường bao gồm: hút thuốc lá, huyết áp cao, nồng độ cholesterol xấu (LDL) tích tụ làm tắc nghẽn mạch máu, thừa cân, béo phì.
Thần kinh
Đường huyết cao có thể làm tổn thương các dây thần kinh trên toàn cơ thể, gây ra các bệnh như: bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh thần kinh tự chủ, bệnh thần kinh gần (bệnh đa tiểu đường), bệnh thần kinh khu trú...
Bệnh thần kinh do tiểu đường thường làm tổn thương các dây thần kinh ở chân, nhất là bàn chân. Các triệu chứng bao gồm đau, tê chân, bàn chân, bàn tay... Nếu người bệnh không phát hiện, điều trị sớm có nguy cơ viêm loét, nhiễm trùng, cắt bỏ chi, gây tàn phế. Ngoài ra, biến chứng tiểu đường type 2 còn ảnh hưởng hệ tiêu hóa, đường tiết niệu, mạch máu, tim.
Người bệnh cần kiểm soát lượng đường trong máu bằng việc ăn uống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày. Khi cơ thể bị tổn thương (vết cắt, vết loét trên bàn chân), yếu hoặc đau ở bàn tay, bàn chân, gặp vấn đề về tiêu hóa, tiết niệu, chóng mặt, ngất xỉu, người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để thăm khám ngay.
Mai Hoa