Trả lời:
Bệnh tiểu đường đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết mạn tính. Nếu người bệnh kiểm soát đường huyết không tốt có nguy cơ cao xuất hiện các biến chứng ở mạch máu lớn và nhỏ, thần kinh, các cơ quan như thận, tim, mắt, da... Trong đó, các tổn thương trên da là nguyên nhân chính thúc đẩy nhiễm trùng diễn tiến nặng và điều trị khó khăn hơn.
Lão hóa da có liên quan mật thiết đến nồng độ glucose trong máu. Đường huyết tăng cao kéo dài gây lão hóa sớm các tế bào ở da. Các cấu trúc trong sợi collagen bị biến đổi do phản ứng glycat hóa, tạo ra các sản phẩm glycate hóa AGEs. AGEs là sự gắn kết bất thường của phân tử glucose với protein hoặc lipid mà không cần xúc tác của enzym. Sản phẩm tạo ra là những phân tử khổng lồ trong máu hoặc di chuyển trong dịch gian bào (dịch nằm xung quanh tế bào) và các không gian khác của tế bào.
Ở trong máu, quá trình glycat hóa xảy ra với hemoglobin, albumin, protein của thủy tinh thể, collagen, lipoprotein... gây ra những thay đổi về cấu trúc của các tổ chức. AGEs gắn vào các thụ thể RAGE ở đại thực bào và các tế bào nội mạch máu, nguyên sợi bào, tế bào trung mô dẫn đến phóng thích các yếu tố gây hoại tử mô. Quá trình này có thể diễn ra kéo dài suốt đời. Đây là nguyên nhân chính gây lão hóa da sớm ở người tiểu đường.
Sự tích tụ AGEs làm cứng các mô như gân, khớp, xương, động mạch và da, có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như thoái hóa thần kinh và bệnh thần kinh tiểu đường.
Nếu bạn bị lão hóa da do tiểu đường có thể có các biểu hiện như da xuất hiện nếp nhăn sớm, kém hồng hào, mịn màng. Về mặt y học, hàng rào bảo vệ da của người bệnh có thể bị suy yếu do quá trình trao đổi chất bị rối loạn, làm giảm quá trình hydrat hóa của lớp sừng và tăng mất nước qua biểu bì. Bạn có nguy cơ cao hình thành vết loét trên da, vết thương lâu lành, nhanh hoại tử, biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, cụt chân...
Bạn nên chú ý chăm sóc da cẩn thận hơn, giúp bảo vệ da tránh các tác nhân gây nhiễm trùng, tổn thương da. Giữ ẩm giúp da mềm mại và ngăn ngừa các vết nứt ở da khô để tránh nhiễm trùng. Dùng thuốc mỡ dưỡng ẩm da sau khi tắm, khi da khô hoặc ngứa, tránh các loại dưỡng ẩm da có hương thơm. Thoa dưỡng ẩm lên tay thường xuyên, thoa kem ở gót chân để tránh khô, nứt nẻ.
Sử dụng xà phòng tắm dịu nhẹ, cho da nhạy cảm. Không nên tắm bằng nước nóng vì dễ làm mất độ ẩm của da khiến da khô ráp, ngứa. Sau khi tắm, rửa nên lau khô các nếp gấp da (sau đầu gối, kẽ ngón chân, nách...) khô ráo để tránh ẩm ướt dễ gây nhiễm nấm da.
Bạn nên chú ý kiểm tra bàn chân mỗi ngày để xem da có bị đổi màu, sưng, trầy xước, phồng rộp, lở loét... nhằm chăm sóc vết thương sớm, đúng cách để tránh bị nhiễm trùng và hoại tử.
Để giảm lão hóa da, người bệnh tiểu đường nên kiểm soát tốt đường huyết với bộ ba gồm thuốc, vận động, dinh dưỡng. Khám sức khỏe thường xuyên, kết hợp tầm soát biến chứng bàn chân có thể phát hiện sớm các vấn đề về da, nhất là vùng chân để có hướng xử lý sớm.
BS.CKII Đinh Thị Thảo Mai
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |