Ngày 31/5, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Hậu bị nhiễm trùng do biến chứng tiểu đường. Nếu bà đến viện trễ hơn, nhiễm trùng có thể lan rộng tới các mô sâu, nguy cơ cao phải cắt cụt chân.
Bác sĩ điều trị ổn định đường huyết, truyền insulin, bổ sung dinh dưỡng cho bà Hậu. Sau khi cắt lọc sạch các mô hoại tử, bà được xịt thuốc lên bề mặt vết thương giúp kích thích tăng trưởng biểu bì, thay băng gạc mỗi ngày. Sau hai tuần, vết thương lên da mới, sức khỏe ổn định, bà được xuất viện.
Theo bác sĩ Tuyền, miếng cao dán nóng có công dụng tốt nếu sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường thường gặp các biến chứng về bàn chân gây giảm hoặc mất cảm giác chân, không nhận biết nhiệt độ thật của cao nên dễ bị bỏng hoặc tổn thương da.
Da của người bệnh lão hóa sớm nên thường yếu, mỏng, khô và dễ bị tổn thương hơn người bình thường. "Người bệnh tiểu đường không nên dùng cao dán nóng, nhất là khi bàn chân có vết thương", bác sĩ Tuyền khuyến cáo.
Chăm sóc vết thương người tiểu đường không đơn thuần là sát khuẩn, cắt lọc và thay băng, mà phải sử dụng các phương tiện hiện đại, chuyên biệt, kết hợp với chăm sóc toàn diện các bệnh đi kèm. Vết thương của người bệnh tiểu đường thường lành lâu, không có khả năng tự lành thương do các yếu tố về mạch máu, dinh dưỡng... Thời gian điều trị lâu làm tăng chi phí, gánh nặng kinh tế cho người bệnh.
Hạn chế biến chứng bàn chân tiểu đường bằng cách kiểm soát đường huyết tốt theo hướng dẫn của bác sĩ, gồm uống thuốc đều đặn, dinh dưỡng phù hợp, tập luyện thể dục thường xuyên. Kiểm tra bàn chân hàng ngày trước khi ngủ, rửa chân sạch và lau khô, dùng thuốc mỡ để dưỡng ẩm da nhưng tránh thoa vào kẽ chân, đi giày dép bít kín mũi chân....
Khám sức khỏe thường xuyên và tầm soát biến chứng bàn chân tiểu đường ít nhất hai lần một năm. Người bị biến chứng bàn chân tiểu đường được bác sĩ chỉ định số lần khám phù hợp.
Đinh Tiên
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |