Chóng mặt là cảm giác mọi thứ xung quanh xoay vòng, thường lành tính, xảy ra do thay đổi thời tiết, căng thẳng. Người thường xuyên chóng mặt khi chạy bộ có thể do nhiều nguyên nhân.
Chóng mặt và mất thăng bằng xảy ra khi chuyển động đầu đột ngột, thực hiện bài tập như yoga, nhào lộn, chạy nhanh. Tình trạng này thường do bệnh chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV), là một dạng của rối loạn của hệ thống tiền đình. Triệu chứng điển hình là cảm thấy môi trường xung quanh đang quay cuồng, mất thăng bằng, phối hợp kém, cảm giác buồn nôn.
BPPV xảy ra sau những thay đổi cụ thể về vị trí đầu, một cú đánh vào đầu hoặc tổn thương tai trong, làm ảnh hưởng đến chất lỏng, cơ quan bên trong tai có vai trò kiểm soát sự cân bằng và nhận thức.
Tập thể dục cường độ cao cũng dẫn đến cảm giác chóng mặt hoặc choáng váng. Bởi khi vận động lâu dễ làm cạn kiệt nước và dưỡng chất trong, mất nước, hạ đường huyết. Triệu chứng thường gặp của lượng đường trong máu thấp là buồn nôn, mệt mỏi, chóng mặt.
Hoạt động thể chất quá sức gây căng thẳng cho nhiều hệ thống cơ thể như não, tim, phổi, cùng một lúc cũng dẫn đến chóng mặt.
Người bệnh mắc các tình trạng bệnh lý như nhiễm trùng xoang, viêm tai, gây sưng các khoang ở mũi và tai, rối loạn chức năng tai tạm thời, dễ chóng mặt khi tập thể dục hơn người bình thường. Bệnh Meniere là nguyên nhân khác khiến chóng mặt, ù tai, cảm giác đầy hoặc áp lực trong tai
Khối u, bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson và huyết áp thấp, có thể dẫn đến cảm giác chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi khi vận động.
Chóng mặt do tập thể dục thường tạm thời và giảm nhanh khi người bệnh nghỉ ngơi. Để ngăn ngừa tình trạng này, mọi người nên uống đủ nước và ăn uống đầy đủ dưỡng chất trước khi chạy hoặc tập luyện, tránh mất nước, triệu chứng hạ đường huyết.
Nếu tình trạng chóng mặt không cải thiện, người bệnh nên đến bác sĩ kiểm tra nguyên nhân chính xác, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, góp phần giảm chóng mặt khi tập thể dục.
Anh Chi (Theo Livestrong)