Chóng mặt là cảm giác đầu quay cuồng, thường kèm buồn nôn, lú lẫn và mất thăng bằng. Tình trạng này có thể do các rối loạn não, dịch trong tai trong, say tàu xe, dùng thuốc tiểu đường, khối u, dị ứng, nhiễm trùng. Một số loại thực phẩm nhất định có thể ngăn ngừa hoặc giảm chóng mặt.
Tăng cường protein trong chế độ ăn
Protein cung cấp axit amin để xây dựng các mô nạc. Protein cũng giúp ổn định lượng đường trong máu, ngăn ngừa hoặc làm giảm chóng mặt do đói, hạ đường huyết liên quan đến bệnh tiểu đường.
Người thường bị chóng mặt có thể tăng lượng protein trong chế độ ăn uống. Nên ưu tiên nguồn protein ít chất béo bão hòa như thịt trắng từ cá béo, thịt gia cầm không da, các loại đậu, trứng, đậu phụ và các sản phẩm từ sữa hoặc đậu nành ít béo.
Thêm ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt ít mất đi các chất dinh dưỡng quan trọng trong quá trình chế biến thực phẩm. Chúng cung cấp lượng lớn chất xơ và chất dinh dưỡng như sắt, vitamin B. Ngũ cốc nguyên hạt thay cho ngũ cốc tinh chế là biện pháp ngăn ngừa chóng mặt và các triệu chứng hạ đường huyết khác.
Thiếu máu, thiếu sắt có thể dẫn đến chóng mặt và mệt mỏi. Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất dinh dưỡng bao gồm bánh mì, mì ống ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, hạt diêm mạch, lúa mạch và bỏng ngô giàu dinh dưỡng, giảm nguy cơ thiếu máu.
Bổ sung thực phẩm chứa carbohydrate
Khi lượng đường trong máu giảm mạnh, người bệnh dễ bị chóng mặt đột ngột, dữ dội, buồn nôn, tụt huyết áp... Dù tình trạng này có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi người nhưng hạ đường huyết là biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường. Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA), ăn một bữa ăn nhẹ chứa 15-20 g carbohydrate (carbs) góp phần ngăn lượng đường trong máu giảm đột ngột.
Các loại thực phẩm chứa 15-20 g carbs bao gồm 1/2 cốc nước ép trái cây nguyên chất, 4 quả nho, 4 miếng trái cây sấy, hai viên kẹo...
Tránh muối
Chóng mặt cũng có thể do bệnh Meniere, rối loạn tiền đình hoặc viêm tai trong gây ra. Triệu chứng khác có thể xảy ra như tiếng ù tai, mất thính lực, buồn nôn, mất thăng bằng hoặc đau đầu. Các triệu chứng của bệnh Meniere có thể cải thiện bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, bao gồm tránh caffeine, hạn chế đồ uống có cồn, giảm muối.
Ăn quá nhiều muối còn dẫn đến tăng huyết áp, đường huyết cao, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, buồn nôn... Người lớn cần đảm bảo lượng muối nạp vào dưới 2.000 mg mỗi ngày.
Anh Chi (Theo Livestrong)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |