Giấc ngủ là quá trình sinh học tự nhiên của cơ thể, đóng vai trò quan trọng với sức khỏe thể chất và tinh thần, giúp cơ thể duy trì hoạt động ổn định. Nhu cầu và thời gian ngủ của mỗi người thường không giống nhau, có thể thay đổi phụ thuộc vào sức khỏe, tuổi tác, thể trạng, thói quen sinh hoạt.
Thời gian ngủ trung bình của người trưởng thành (18 tuổi trở lên) khoảng 7-9 giờ mỗi đêm. BS.CKI Nguyễn Hữu Khánh, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ngủ ít hoặc nhiều hơn mức này có nguy cơ gây hại sức khỏe. Người ngủ nhiều nhưng vẫn cảm thấy thiếu ngủ có thể do các nguyên nhân dưới đây.
Chất lượng giấc ngủ kém
Chất lượng giấc ngủ không chỉ phụ thuộc vào thời gian ngủ mà còn liên quan đến nhiều vấn đề đi kèm. Các biểu hiện của chất lượng giấc ngủ kém điển hình như thường xuyên gặp ác mộng, ngủ ngáy, nghiến răng, giật mình thức giấc, ngủ chập chờn, ngủ dậy cảm thấy mệt mỏi... Điều này khiến cơ thể luôn cảm thấy buồn ngủ, ngay cả khi ngủ đủ giấc.
Buồn ngủ do bệnh lý
Người ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ có nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như béo phì, rối loạn chức năng tuyến giáp, ung thư, thiếu máu não, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), trầm cảm, rối loạn giấc ngủ...
Thiếu nước
Uống không đủ nước có thể làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan, nhất là não. Tình trạng này khiến tế bào não không nhận đủ lượng máu và oxy cần thiết, dẫn đến cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ. Để đảm bảo chất lượng giấc ngủ, nâng cao sức khỏe tổng thể, người trưởng thành nên uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý
Ngủ nhiều xong vẫn buồn ngủ có thể xảy ra do cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết từ chế độ ăn uống hàng ngày như vitamin D, B6 hoặc khoáng chất như sắt, kẽm, selen... Lạm dụng rượu bia, thực phẩm cay nóng, lên men, chứa nhiều dầu mỡ, đường, muối hoặc chất bảo quản làm tăng nguy cơ rối loạn giấc ngủ, dẫn đến biểu hiện buồn ngủ nhiều vào ban ngày.
Ít vận động
Ít hoặc không vận động dễ làm trì hoãn quá trình vận chuyển máu lên não. Khi đó, não không được cung cấp đủ lượng oxy và chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì hoạt động bình thường, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm rối loạn giấc ngủ.
Lao động nặng hoặc tập luyện quá sức
Lao động nặng quá sức hoặc tập luyện thể thao cường độ cao làm tăng nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh (serotonin và dopamine). Nếu các chất này tăng cao quá mức khiến cơ thể trong trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ.
Áp lực tâm lý
Lo lắng, căng thẳng, stress kéo dài khiến sức khỏe hệ thần kinh suy giảm, làm rối loạn giấc ngủ, gây buồn ngủ nhiều vào ban ngày.
Mang thai
Trong thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ có nhiều sự thay đổi do thay đổi nội tiết tố. Tình trạng này khiến mẹ bầu dễ mệt mỏi và buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
Tác dụng phụ của thuốc
Buồn ngủ liên tục có thể là tác dụng phụ của quá trình sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh. Để giảm nguy cơ này, người bệnh nên tuân thủ đúng liều và cách dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Người thường xuyên ngủ nhiều nhưng vẫn cảm giác buồn ngủ nên đi khám và điều trị kịp thời tại chuyên khoa thần kinh hoặc nội tổng hợp. Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân, bác sĩ có thể dựa trên kết quả khám lâm sàng, hỏi bệnh sử, kết hợp các xét nghiệm, chụp chiếu phù hợp như đo đa ký giấc ngủ, đo điện não, xét nghiệm máu, chụp CT... Trong đó, đo đa ký giấc ngủ là kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng hiện đại, không xâm lấn, không gây đau cho người bệnh, giúp chẩn đoán các bệnh lý như rối loạn giấc ngủ, ngưng thở khi ngủ, mộng du, hội chứng chân không yên, động kinh...
Tùy nguyên nhân và mức độ buồn ngủ, thể trạng và bệnh nền của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp phù hợp.

Bác sĩ Khánh kiểm tra thiết bị đo đa ký giấc ngủ cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Người có biểu hiện ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ có thể bổ sung các hoạt chất thiên nhiên từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) hỗ trợ điều hòa máu não, tăng cường dưỡng chất lên não, giảm đau đầu, căng thẳng, mệt mỏi, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |