Thạc sĩ - Bác sĩ chuyên khoa 1 Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết, cung thủ rất dễ bị viêm gân cơ khớp vai. Một nghiên cứu được thực hiện trên 21 vận động viên chuyên nghiệp gồm 12 nam và 9 nữ cho thấy, 11/21 cung thủ bị chấn thương trong suốt sự nghiệp. Tỷ lệ cung thủ nữ gặp chấn thương nhiều hơn nam, bao gồm tình trạng vai không đối xứng và mất linh hoạt ở cánh tay kéo dây cung.
Bác sĩ Đặng Khoa Học giải thích, mỗi lần kéo dây cung, sức căng sẽ dồn lên các cơ ở vai, cánh tay và lưng. Phần vai của cánh tay giữ cung bị cố định, trong khi vai còn lại phải dùng một lực lớn kéo về hướng ngược lại theo chuyển động đều. Khi tên phóng đi, dây cung được thả lỏng, cánh tay giữ cung phải cố chống lại sự thả căng đột ngột.
Tình trạng viêm gân cơ khớp vai ở vận động viên bắn cung đến từ những tổn thương chóp xoay, bao gồm viêm bao hoạt dịch, viêm gân và nghiêm trọng hơn là rách gân chóp xoay. Chóp xoay vai là một hệ thống phức tạp bao gồm các cơ trên gai, dưới gai, tròn bé, dưới vai. Nhóm các cơ và gân này giữ nhiệm vụ cố định xương cánh tay trên trong ổ khớp, hỗ trợ các động tác nâng và xoay cánh tay.
Khi bị viêm gân cơ khớp vai, các cung thủ sẽ cảm thấy khó cố định cánh tay, đau ở cánh tay và vai. Các triệu chứng này thường không rõ ràng hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì thế, nếu cảm thấy đau khi cử động, yếu vai, khó nâng cánh tay, khớp vai phát ra tiếng động... các tuyển thủ nên ngừng tập luyện và trao đổi với huấn luyện viên, bác sĩ y học thể thao phụ trách. Ngoài ra, các gân cơ ở vùng cẳng tay cũng dễ bị tổn thương do phải luôn chịu áp lực suốt quá trình kéo giãn để giữ ổn định cung. Tình trạng viêm các gân cơ bám ở khuỷu tay, cẳng tay gây đau đớn tột độ.
Bác sĩ Đặng Khoa Học khuyến cáo, nếu các cung thủ không bắt đầu điều trị khi cơn đau mới thoáng qua, biến chứng viêm gân cơ khớp vai có thể khiến cho người bệnh bị mất chức năng, ảnh hưởng đến khả năng cử động cánh tay gây cản trở quá trình tập luyện, sinh hoạt. Cơn đau cũng có thể là gián đoạn giấc ngủ của người bệnh, gây mất sức. Các tuyển thủ vì vậy không đạt được phong độ tốt nhất khi thi đấu.
Điều trị viêm gân cơ khớp vai
Việc điều trị phải dựa trên kết quả chẩn đoán và các yếu tố liên quan như: sức khỏe tổng thể, tiền sử bệnh, tình trạng chấn thương, khả năng đáp ứng... Với nhóm người bệnh đặc thù là các vận động viên thành tích cao, bác sĩ còn cân nhắc trên lịch huấn luyện, thi đấu và khả năng tham gia các giải đấu trong tương lai.
Mục tiêu của việc điều trị viêm gân cơ khớp vai là giảm viêm, giảm đau, duy trì khả năng vận động và ngăn ngừa tổn thương tái phát. Điều trị bắt đầu bằng việc cho người bệnh nghỉ ngơi, thả lỏng các cơ, chườm đá, xoa bóp. Các loại thuốc dạng Nsaids , naproxen, ibuprofen... có thể dùng để giảm sưng; kích thích điện, công nghệ điện chuyển ion...
Một số bài tập vật lý trị liệu cũng được bác sĩ chỉ định cho trường hợp viêm gân cơ khớp vai bao gồm: tập cải thiện phạm vi chuyển động qua các động tác vươn vai, bài tập tăng cường sức mạnh cơ bằng dây đeo hoặc tạ...
Nếu cơn đau kéo dài, nghiêm trọng hơn, các cung thủ có thể cân nhắc đến việc tiêm steroid. Phương pháp này có thể giúp giải quyết tình trạng viêm nhiễm, nhưng không khắc phục được vấn đề chính gây viêm gân cơ. Các cơn đau khớp vai có thể sẽ tái phát khi người bệnh thay đổi phương thức điều trị. Đồng thời, việc tiêm steroid nhiều lần cũng được khoa học chứng minh là làm yếu gân cơ, nên cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Bác sĩ Khoa Học cho biết, khi các biện pháp bảo tồn thất bại, người bệnh được xem xét phương án phẫu thuật để giải quyết nguyên nhân gây viêm. Phẫu thuật sẽ giúp sửa chữa phần gân cơ bị tổn thương, vá gân cơ chóp xoay bị rách, loại bỏ yếu tố viêm gây kích ứng vai. Với phương án này, các cung thủ sẽ cần thời gian phục hồi dài hơn và việc quay trở lại tập luyện, thi đấu có thể bị ảnh hưởng.
"Bắn cung là môn thể đòi hỏi một đôi vai thật khỏe để chịu được lực cản của dây cung khi bị kéo ra sau. Hầu hết vết thương ở vai liên quan đến bắn cung đều nhẹ và có thể tự lành lại khi vận động viên nghỉ ngơi. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể cần phải điều trị và can thiệp bằng phẫu thuật, thậm chí là thay khớp để đảm bảo khả năng vận động cho cánh tay", Bác sĩ Học lưu ý.
Để bảo vệ khớp vai, hạn chế chấn thương có thể dẫn đến nguy cơ giã từ sự nghiệp, các cung thủ nên có kế hoạch bảo vệ từ sớm. Bắt đầu bằng việc tập luyện các động tác giúp tăng cường sức mạnh và khả năng chịu đựng của gân cơ như ép vai, kéo xà...
Khi tập luyện, nên tuân thủ nguyên tắc từ thấp đến cao, từ nhẹ đến nặng... Hạn chế sử dụng các cơ lưng, cơ bả vai, cơ tam đầu khi kéo cung. Thay vào đó nên tận dụng sức mạnh của khuỷu tay, nhờ sự hỗ trợ của vai sau và tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của các huấn luyện viên. Nếu cảm thấy đau nhức cẳng tay, nên nghỉ ngơi và giảm thời gian tập luyện để các gân, cơ được thư giãn, tránh bị viêm và chấn thương nặng hơn.
Hân Thái
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế, hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại, phòng nội trú khang trang. Đơn vị Y học thể thao và Nội soi chuyên sâu trong điều trị, tư vấn dự phòng chấn thương, thẩm định sức khỏe cho các vận động viên tham gia thi đấu ở Đội tuyển quốc gia, câu lạc bộ và trường năng khiếu thể thao, nhằm mục tiêu phát triển nền thể thao nước nhà. |