ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, tình trạng loãng xương làm hệ xương của người già trở nên giòn, yếu và dễ gãy. Do đó, chỉ một va chạm hoặc té ngã nhẹ cũng có thể dẫn đến gãy xương, trong đó, thường gặp nhất là tình trạng gãy cổ xương đùi vàgãy xương đùi vùng liên mấu chuyển.
Gãy cổ xương đùi là tình trạng gãy xương ở vị trí giữa chỏm xương đùi và khối mấu chuyển. Vùng liên mấu chuyển xương đùi là nơi bám của nhiều cơ, vì vậy các đầu xương gãy thường bị kéo di lệch ra xa nhau, gây khó khăn cho việc điều trị. Khi bị gãy cổ xương đùi hoặc vùng liên mấu chuyển xương đùi, người bệnh thường phải nằm một chỗ trong thời gian dài, từ đó, làm trầm trọng thêm các bệnh lý vốn có do cơ thể không được vận động, tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, xẹp phổi, thuyên tắc phổi, thuyên tắc tĩnh mạch sâu chi dưới, lở loét vùng lưng, nhiễm trùng tiểu, suy kiệt... thậm chí tử vong. Theo số liệu thống kê toàn cầu, có 12 - 36% trường hợp người già tử vong trong một năm đầu tiên khi bị gãy cổ xương đùi, gãy vùng liên mấu chuyển xương đùi.
Các dấu hiệu đặc trưng của tình trạng gãy xương này là đau cấp tính vùng khớp háng; bầm tím vùng hông hoặc bẹn; không đi lại hoặc không nhấc chân được; khi nằm thấy bàn chân đổ sát xuống mặt giường...
Theo bác sĩ Khoa Học, khi bị gãy cổ xương đùi hoặc gãy liên mấu chuyển xương đùi, người già nên được phẫu thuật sớm, không nên để các cụ nằm bất động quá lâu. Theo hướng dẫn của đa số các hội chỉnh hình trên thế giới, người bệnh nên được phẫu thuật trong vòng 24 - 48 giờ sau khi nhập viện. Việc điều trị kịp thời không chỉ làm tăng cơ hội sống, mà còn giúp người bệnh nhanh chóng trở lại với sinh hoạt thường ngày, ngăn ngừa biến chứng và giảm đau. Tùy thuộc tình trạng tuổi tác, đặc điểm ổ gãy, mức độ loãng xương, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật kết hợp xương hoặc thay khớp háng.
Phương pháp kết hợpxươngbằngđinh nội tủy được chỉ định cho người bệnh gãy xương phức tạp, gãy không vững và có mảnh rời.
Phương pháp kết hợp xương bằng nẹp vítnhư nẹp khóa đầu trên xương đùi,nẹp góc DHS... được sử dụng trong trường hợpgãy xương đơn giản.
Phương pháp thay khớp háng được chỉ định nếu người bệnh gãy cổ xương đùi, kèm theo bệnh lý loãng xương nặng và không thể điều trị được bằng bảo tồn hay kết hợp xương.
Bác sĩ Học khuyến cáo, vì đặc trưng sức khỏe ở người già là có các bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường... nên ca phẫu thuật sẽ trở nên phức tạp và đòi hỏi sự hỗ trợ của bác sĩ ở những chuyên khoa khác, trong đó có khoa tim mạch. Lúc này, các bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ hỗ trợ theo dõi tình trạng người bệnh, chỉ định dùng thuốc trong quá trình phẫu thuật nhằm ngăn ngừa nguy cơ chảy máu sau mổ...
Ngoài ra, trong hầu hết trường hợp người già gãy cổ xương đùi và xương vùng liên mấu chuyển đều bị loãng xương. Do đó, sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được tiến hành điều trị loãng xương và tập vật lý trị liệu.
Gãy cổ xương đùi và xương vùng liên mấu chuyển có thể được chữa lành mà không gây biến chứng nếu người bệnh được phẫu thuật kịp thời, nắn chỉnh đúng và cố định xương vững chắc. Bên cạnh đó, việc thực hiện phục hồi chức năng theo đúng chỉ định của bác sĩ và có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao, giúp người bệnh sớm trở lại cuộc sống bình thường, phòng ngừa nguy cơ gãy xương, nâng cao sức khỏe tổng thể.
Phi Hồng