BS.CKII Thân Thị Minh Trung (Phó khoa Nội Thần Kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, những thói quen thiếu khoa học như thức khoa, uống rượu bia, hút thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính liên quan, mà còn ảnh hưởng đến não, gây thoái hóa thần kinh, giảm trí nhớ và khả năng suy nghĩ. Suy giảm trí nhớ có thể xảy ra ở cả người trẻ tuổi.
Uống nhiều rượu bia
Nhiều nghiên cứu cho thấy, rượu bia khiến các vùng não kiểm soát sự cân bằng, trí nhớ, ngôn ngữ và khả năng phán đoán giảm chức năng hoạt động. Uống nhiều rượu bia trong thời gian dài gây ra những thay đổi trong não, tế bào thần kinh.
Một số người còn gặp tình trạng mất trí nhớ tạm thời, không nhớ các chi tiết chính khi lạm dụng các thức uống có cồn này. Bác sĩ Minh Trung giải thích, rượu bia ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn bằng cách làm chậm cách các dây thần kinh giao tiếp với nhau trong hồi hải mã của não. Trong khi vùng này đóng vai trò quan trọng trong ghi nhớ và hình thành ký ức. Nó còn có thể phá hủy các tế bào thần kinh, ảnh hưởng đến cả trí nhớ ngắn và dài hạn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, người Việt uống quá nhiều rượu bia. Thống kê năm 2017, trung bình một người từ 15 tuổi trở lên uống 8,3 lít cồn nguyên chất mỗi năm, tương đương 21 lít rượu hoặc 170 lít bia. Trong khi, nam giới được khuyến nghị chỉ nên uống hai ly rượu, còn nữ giới là một ly rượu mỗi ngày.
Hút thuốc lá
Theo Hiệp hội Alzheimer, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về mạch máu như chảy máu não, đột quỵ - những yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng giảm hoặc mất trí nhớ. Các chất độc trong thuốc lá gây viêm và căng thẳng cho các tế bào. Cả hai tình trạng này đều liên quan đến sự phát triển của bệnh Alzheimer (căn bệnh gây suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ).
Các chất có hại như nicotin còn tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ, từ đó, gây tổn hại đến trí nhớ và chức năng nhận thức. Nghiên cứu của Đại học Ohio (Mỹ) cho thấy, những người hút thuốc ở độ tuổi trung niên có nhiều khả năng bị mất trí nhớ và lú lẫn hơn những người không hút thuốc. Khả năng suy giảm nhận thức thấp hơn đối với những người đã bỏ thuốc. Bác sĩ Minh Trung khuyên những người hút thuốc nên từ bỏ thói quen này để giảm nguy cơ mất trí nhớ và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
Thức khuya
Thức sau 23h, thậm chí đến 1h-2h ảnh hưởng tiêu cực đến não. Bạn có thể cảm nhận rõ điều này vào buổi sáng thức dậy như cảm thấy thiếu năng lượng, mệt mỏi, khó tập trung, khó tỉnh táo, hay quên... Theo Tổ chức giấc ngủ Mỹ, khi ngủ không đủ giấc, não bộ không có đủ thời gian để sắp xếp các ký ức khác nhau từ ngày hôm trước, lọc ra những ký ức quan trọng và loại bỏ các thông tin khác. Cho nên, tình trạng thiếu ngủ thường ảnh hưởng đến cách thức củng cố ký ức. Người thiếu ngủ lâu ngày gặp khó khăn trong học tập và tập trung, giảm kỹ năng ra quyết định, kiểm soát hành vi và cảm xúc kém.
Người trưởng thành nên đi ngủ trước 22h, ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm tốt cho sức khỏe. Trẻ nhỏ tùy vào độ tuổi mà có thời lượng ngủ khác nhau. Người lớn, trẻ nhỏ cũng nên tạo thói quen đi ngủ vào thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Căng thẳng
Căng thẳng thường xuyên trong công việc rất thường gặp trong cuộc sống hiện đại. Lượng hormone gây căng thẳng tăng cao có thể ảnh hưởng đến các vùng não chịu trách nhiệm về trí nhớ và sự tập trung. Khi căng thẳng, não gặp khó khăn hơn trong việc tạo ra những ký ức ngắn hạn và biến những ký ức ngắn hạn thành những ký ức dài hạn. Stress, lo lắng hoặc trầm cảm có thể gây ra chứng hay quên, lú lẫn, khó tập trung và các vấn đề khác ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Để giảm căng thẳng, theo bác sĩ Minh Trung, mọi người nên tìm cách giải tỏa áp lực, những cảm xúc tiêu cực. Đơn giản có thể là ăn một bữa ngon miệng, gặp gỡ trò chuyện với người khác, ngủ một giấc, nghe một vài bản nhạc yêu thích, tìm một góc tĩnh lặng để bình tâm suy nghĩ. Ngắm một khu vườn xanh mát, trồng cây... có thể mang đến cảm xúc tích cực, thư thái hơn. Các bài tập hít thở, yoga, thiền cũng giúp bạn cảm thấy dễ chịu, xả stress. Học cách quản lý căng thẳng là cách để mọi người cân bằng trước nhiều áp lực trong cuộc sống.
Một số hoạt động hay trò chơi như ghép hình, giải ô chữ, nghe nhạc, học ngôn ngữ mới... cũng là cách giúp mỗi người tăng cường và duy trì trí nhớ.
Kim Uyên