Căng thẳng (stress) ngắn hạn có thể ức chế hormone thèm ăn. Một số người có thể phản ứng với căng thẳng bằng cách ăn ít hơn, không tập trung ăn, bỏ bữa hoặc hoàn toàn không ăn. Căng thẳng ngắn hạn thường giảm dần sau 24 giờ, tức là một ngày hoặc một tuần căng thẳng không làm cân nặng thay đổi nhiều. Song, tình trạng này diễn ra liên tục có thể giảm lượng ăn uống theo thời gian, gây ra chứng rối loạn ăn uống.
Theo một số nghiên cứu, lượng hormone tiết ra khi bị căng thẳng ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Cơ thể sẽ giải phóng corticotropin, một loại hormone có thể làm giảm cảm giác thèm ăn; đồng thời tăng hormone catecholamine kích thích phá vỡ mô mỡ.
Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa thức ăn. Máu, oxy sẽ dồn đến tứ chi, các cơn co thắt trong ruột chậm lại, thức ăn không được tiêu hóa nhanh như bình thường, giảm hấp thụ dinh dưỡng.
Nhiều người có xu hướng tập thể dục quá sức khi stress. Lượng calo đốt cháy lúc này có thể gây sút cân, song tiềm ẩn rủi ro làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng cảm giác chán nản và lo lắng.
Stress liên tục có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp, đau tim, đột quỵ, nhức đầu và đau nửa đầu, các vấn đề về kinh nguyệt. Nếu bạn bị sút cân, các mẹo dưới đây sẽ giúp kiểm soát tốt hơn mức độ căng thẳng.
Liệu pháp tâm trí: Các kỹ thuật thiền hoặc các liệu pháp tâm trí có thể giúp xua tan lo lắng. Ví dụ, bạn hình dung ánh sáng xanh mát đi qua cơ thể, hấp thụ ánh sáng này và giảm căng thẳng.
Thở sâu có kiểm soát: Thở sâu là cách tự nhiên giúp cơ thể giảm nhịp tim, thư giãn. Bạn hãy hít vào bằng mũi trong hai lần ngắn và thở ra hơi dài bằng miệng, có thể lặp lại việc này tối đa ba lần bất cứ khi nào căng thẳng bao trùm.
Rửa mặt bằng nước lạnh: Nếu cần nhanh chóng bình tĩnh, bạn có thể rửa mặt bằng nước lạnh. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể kích thích dây thần kinh phế vị, giảm nhịp tim và căng thẳng.
Ưu tiên giấc ngủ: Giấc ngủ rất quan trọng để kiểm soát stress. Vì vậy, bạn hãy giữ cho không gian ngủ tối, mát mẻ và yên tĩnh, tắt các thiết bị điện tử; không uống caffein, đường trước khi ngủ.
Tập thể dục thường xuyên: Các hoạt động như yoga hoặc đi bộ giúp lưu thông máu và giảm mức độ căng thẳng. Bạn cẩn thận tránh tăng tập luyện và theo dõi cơ thể để phát hiện các dấu hiệu tập luyện quá sức như mệt mỏi, mất ngủ hoặc đau nhức quá mức.
Ăn nhẹ: Magiê có thể điều chỉnh phản ứng căng thẳng của cơ thể. Bạn có thể chọn đồ ăn nhẹ chứa nhiều magiê như hạnh nhân hoặc hạt bí. Các chất như caffein cũng có thể làm tăng hormone liên quan căng thẳng nên đổi sang trà không chứa caffein hoặc trà thảo dược giúp thư giãn.
Nếu mức độ căng thẳng cao hơn, bạn nên đi khám để điều trị sớm. Các triệu chứng gồm thường xuyên lo lắng, cáu kỉnh, chán nản, ốm thường xuyên, muốn tránh gia đình hoặc bạn bè, cản trở cuộc sống hàng ngày; hoặc đột ngột sút hơn 5% cân nặng cơ thể trong vòng 6-12 tháng.
Chi Lê (Theo Insider)