Loạn dưỡng xương do thận là khái niệm để chỉ những biến chứng xương do bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối. Đây là rối loạn do nhiều yếu tố có liên quan đến cấu trúc và chất lượng xương. ThS.BS Hà Tuấn Hùng, Phó khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, bệnh thận làm thay đổi nồng độ khoáng chất và hormone cũng như quá trình luân chuyển xương, làm cho xương yếu đi. Các triệu chứng chính của tình trạng này là đau xương và gãy xương.
Loạn dưỡng xương do thận được phân thành các dạng: Viêm xương xơ nang, nhuyễn xương và bệnh xương bất động hoặc thể phối hợp giữa viêm xương xơ nang và nhuyễn xương.
Viêm xương xơ nang (OFC)
Viêm xương xơ nang là loại loạn dưỡng xương do bệnh thận phổ biến nhất. Ở người bệnh thận giai đoạn cuối, viêm xương xơ xảy ra chủ yếu do sự thiếu hụt 1α, 25 - dihydroxycholecalciferol (chất chuyển hóa có hoạt tính nội tiết của vitamin D) và cường cận giáp thứ phát.
Thiếu hụt 1α, 25 - dihydroxycholecalciferol gây giảm hấp thu canxi ở ruột và tăng tiết hormone tuyến cận giáp. Khi nồng độ hormone này tăng cao sẽ làm cho lượng canxi trong xương bị chuyển vào máu nhiều quá mức cần thiết, từ đó hình thành các u xơ trong xương làm cho xương bị yếu đi. Ngoài ra, nồng độ hormone tuyến cận giáp ở người bệnh thận tăng cao cũng có thể do sự giảm sản xuất calcitriol, tích tụ phốt pho trong máu.
Ở những người mắc bệnh thận mạn, cơ thể tăng cường hoạt động hủy xương cũng như tái tạo, sửa chữa xương đã bị tổn thương. Tuy nhiên, hầu hết các xương được tái tạo có chất lượng kém, yếu nên dễ bị loãng xương và gãy xương.
Nhuyễn xương (OM)
Tình trạng này là kết quả của lượng vitamin D thấp, thường gặp ở những người mắc bệnh thận mạn tính. Đồng thời, mô xương bị phá vỡ nhưng xương mới không hình thành, làm cho xương trở nên xốp và yếu cũng dẫn đến nhuyễn xương, tăng nguy cơ gãy xương.
Tình trạng này xảy ra do nhiễm độc nhôm và các kim loại nặng khác liên quan đến việc điều trị bệnh thận giai đoạn cuối. Nhôm là thành phần trong một số loại thuốc kết dính phốt pho cũ, được dùng để ngăn phốt pho trong thức ăn đi vào máu. Hiện nay, những loại thuốc này không còn được khuyến cáo sử dụng cho người mắc bệnh thận mạn tính hoặc bệnh thận giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo.
Bệnh xương bất động
Không như các loại loạn dưỡng xương khác, ở bệnh xương bất động, mô xương không tự làm mới. Các liệu pháp bổ sung canxi và vitamin D hoặc việc thực hiện lọc màng bụng liên tục (một số dịch lọc màng bụng chứa hàm lượng canxi cao) là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dư thừa canxi và vitamin D, đồng thời ức chế hormone tuyến giáp, gây ra biến chứng xương bất động ở người mắc bệnh thận. Nam giới và những người có thêm bệnh lý nền là đái tháo đường có nguy cơ mắc phải biến chứng này cao hơn do sự tăng cao của đường máu, thiếu hụt insuline gây giảm hormone cận giáp.
Bác sĩ Tuấn Hùng cho biết, việc điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ tổn thương của xương, tốc độ luân chuyển xương và tình trạng bệnh thận. Nhìn chung, các phương pháp điều trị chính bao gồm:
Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Người bệnh cần hạn chế các loại thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn nhằm làm giảm lượng phốt pho nạp vào cơ thể mỗi ngày.
Thuốc và chất bổ sung: Bao gồm chất bổ sung canxi, thuốc làm giảm hormone tuyến cận giáp, chất kết dính phốt pho... giúp cân bằng lượng khoáng chất và hormone. Calcitriol và các chế phẩm khác của vitamin D có tác dụng điều trị cường cận giáp thứ phát và điều chỉnh sự thiếu hụt 1α, 25 - dihydroxycholecalciferol.
Phẫu thuật tuyến cận giáp: Sẽ được cân nhắc nếu các phương pháp điều trị khác không đạt hiệu quả. Điều này có thể giúp ngăn ngừa tình trạng tuyến cận giáp thấp và biến chứng xương bất động.
Loạn dưỡng xương do thận là những biến chứng không thể phòng ngừa, người bệnh chỉ có thể kiểm soát các tình trạng này thông qua việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong uống thuốc, thực hiện chế độ ăn kiêng và hoàn thành các phương pháp điều trị lọc máu.
Phi Hồng