Một tuần nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận 12 trường hợp đứt dây chằng khớp gối do chấn thương khi chơi thể thao. 4 tháng đầu năm, 500 lượt người đến viện khám do tổn thương dây chằng. Trong đó, hơn 70% người bệnh chơi thể thao nghiệp dư, hơn 200 trường hợp phải phẫu thuật điều trị, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái.
ThS.BS.CKI Nguyễn Văn Lưu, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, lý giải ngày càng nhiều người thích chơi thể thao. Tuy nhiên, những người chơi thể thao không phải vận động viên chuyên nghiệp thường không thật sự chú trọng đến các yếu tố an toàn như khởi động kỹ trước khi bắt đầu, tiếp đất sai kỹ thuật, chơi quá sức, không đi khám hoặc thiếu nghỉ ngơi khi xảy ra chấn thương... Đứt dây chằng khớp gối là chấn thương thường gặp nhất. Một số môn thể thao dễ gây chấn thương dây chằng là bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, chạy bộ.
Dây chằng khớp gối là tổ hợp 4 nhóm dây chằng chính, có cấu tạo từ các mô liên kết. Các dây chằng đầu gối liên kết xương đùi với các xương ở cẳng chân, làm nhiệm vụ ổn định khớp gối, ngăn chặn các chuyển động bất thường của xương. Dây chằng đầu gối bị tổn thương, đứt rách gây đau và ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm hoặc thoái hóa khớp gối, teo cơ đùi, rách sụn chêm.
Như anh Bảo, 23 tuổi, bị đứt dây chằng khớp gối sau một pha tiếp đất sai kỹ thuật khi chơi đá bóng một năm trước. Vì điều trị chậm trễ, nhiều mạch máu và gốc dây chằng tiêu biến, rách nhẹ sụn chêm ngoài, cơ vùng quanh gối teo nhiều so với chân còn lại. Người bệnh còn trẻ, có nhu cầu vận động trở lại sớm, bác sĩ chỉ định tái tạo dây chằng chéo trước bằng mổ nội soi, giữ lại gốc dây chằng tự nhiên.
Trường hợp khác là anh Long, 37 tuổi, nhiều lần bị đứt dây chằng do chạy bộ và chơi các môn thể thao khác sai cách. Người bệnh hai lần phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước, nhưng vội chơi thể thao, dây chằng tái đứt lần thứ ba năm 2018. Đầu năm nay, anh khó đi lại, không thể duỗi thẳng chân và đau nhiều, mới quyết định phẫu thuật.
Lúc này, các biến chứng đã xuất hiện như kẹt khớp do rách sụn chêm, khớp gối mất vững, tràn dịch, thoái hóa nhẹ. Nhằm khắc phục những tổn thương và khôi phục chức năng vận động khớp gối, bác sĩ chỉ định tái tạo dây chằng chéo trước bằng gân tự thân (lấy từ gân chân ngỗng) kèm tái tạo dây chằng trước ngoài khớp gối.
Bác sĩ Lưu cho biết cả hai trường hợp đều được tái tạo dây chằng bằng kỹ thuật nội soi all inside. Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn, giúp hạn chế nguy cơ chảy máu, giảm tối đa tổn thương mô mềm, rút ngắn thời gian phục hồi. Bác sĩ có thể xử lý tổn thương ở dây chằng và các bộ phận khác như sụn chêm, gân, cơ... trong cùng một ca phẫu thuật. Nhờ đó, người bệnh ít đau, khôi phục sức cơ và vận động trở lại sớm hơn.
Phòng tránh chấn thương khi chơi thể thao, nhất là đối với dây chằng, bằng cách sử dụng dụng cụ hỗ trợ như nẹp, băng thun, mang giày và mặc quần áo phù hợp... khi chơi thể thao hoặc vận động mạnh. Tập luyện thường xuyên, bài bản và đúng tư thế, cường độ cần tăng dần để cơ thể có thời gian thích nghi, dây chằng không bị căng thẳng quá mức. Chú trọng các bài tập squat, deadlift để tăng sức mạnh cho cả cơ và dây chằng.
Bác sĩ Lưu cho biết các phương pháp điều trị tái tạo dây chằng hiện nay, người bệnh có thể đi lại sau phẫu thuật 1-2 ngày, chạy sau 2 tháng và chơi thể thao lại sau 6 tháng. Khi có chỉ định phẫu thuật, người bệnh nên sớm điều trị để phục hồi sớm, tránh nguy cơ phát triển biến chứng.
Phi Hồng