Ngày 21/1, TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, khuyến cáo trên, thêm rằng nguy cơ đột quỵ mùa lạnh có thể cao hơn 20-30% so với bình thường. Như tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, dịp Tết hàng năm lượng bệnh nhân đột quỵ thường tăng khoảng 30-35%.
Người bệnh nền cũng thường chủ quan, quên không dùng thuốc hay do kiêng cữ đầu năm không uống thuốc. Số khác tham gia tiệc tùng khuya, mất ngủ, căng thẳng, làm trầm trọng thêm bệnh nền. Người có nguy cơ cao bị đột quỵ nếu mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường, béo phì, mỡ máu cao.
"Dịp Tết, các tỉnh phía Bắc và miền Trung lạnh trong khi miền Nam ngày nóng đêm lạnh thất thường dễ làm tăng nguy cơ đột quỵ", bác sĩ Minh Đức nói, giải thích trời lạnh khiến mạch máu co lại, máu đặc quánh hơn, dễ hình thành cục máu đông, giảm lưu lượng máu về tim và não. Đột quỵ thường xảy ra vào sáng sớm, nhất là khoảng 6-7h.
Để phòng đột quỵ, bác sĩ Minh Đức khuyên:
Hạn chế rượu bia, ngừng hút thuốc lá: Nhiều người dễ bị cuốn theo cuộc vui cuối năm, dẫn đến uống rượu bia nhiều gây lợi tiểu, mất nước, làm cô đặc máu, nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Rượu bia còn góp phần làm tăng huyết áp do co thắt mạch, rối loạn nhịp, rung nhĩ - yếu tố nguy cơ cao của đột quỵ. Uống rượu bia khi thời tiết lạnh dịp tết càng tăng mức độ rủi ro dẫn đến đột quỵ. Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ đông máu cũng như chảy máu trong não do tăng huyết áp, xơ vữa mạch.
Duy trì chế độ ăn uống khoa học: Dịp tết, ăn uống không điều độ hoặc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu chất béo xấu, nhiều đường, tinh bột như kẹo, mứt các loại, xôi, chè, chocolate, bánh chưng, xúc xích, lạp xưởng... có thể làm tăng huyết áp, tăng đường huyết, rối loạn mỡ máu. Các yếu tố này dễ hình thành cục máu đông, từ đó tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Bác sĩ Minh Đức khuyến cáo mọi người duy trì thói quen ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa, cũng như không ăn quá nhiều. Nên cân bằng các nhóm dưỡng chất, bổ sung rau xanh và trái cây tươi giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe, giảm nguy cơ đột quỵ.
Người mắc bệnh nền như tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường, người từng đột quỵ nên áp dụng chế độ ăn kiêng theo chỉ định của bác sĩ.
Sinh hoạt, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý: Di chuyển xa hoặc tham gia các hoạt động lễ hội, vui chơi, du lịch ngày Tết có thể làm đảo lộn chế độ sinh hoạt, vận động, ngủ nghỉ của nhiều người. Điều này cũng có khả năng khiến bệnh nền tăng nặng dễ gây ra đột quỵ. Ví dụ, mất ngủ, thiếu ngủ, rối loạn giấc ngủ làm tăng huyết áp, đau đầu, tăng nguy cơ đột quỵ. Ngồi lâu trên máy bay, ôtô làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, nguy cơ tắc nghẽn mạch máu não, dẫn đến đột quỵ...
Để giảm nguy cơ đột quỵ, mọi người nên thu xếp thời gian vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý. Kết hợp ngủ đủ giấc, tập thể dục hoặc vận động vừa sức. Do thời tiết mùa này lạnh nên tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, không tắm khuya, sáng sớm, mặc ấm khi ra ngoài. Khi di chuyển đường dài bằng máy bay hoặc ô tô không nên ngồi yên tại chỗ suốt nhiều giờ, không ngồi bắt chéo chân, thỉnh thoảng cử động hai chân.
Dùng thuốc đúng chỉ định: Nhiều người mắc bệnh nền tự ý dừng sử dụng thuốc, quên uống thuốc khi đi chơi, kiêng uống thuốc trong dịp tết. Điều này rất nguy hiểm, dễ mất kiểm soát các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn nhịp tim, dẫn đến đột quỵ. Người mắc bệnh nền nên tái khám đúng hẹn và tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Tầm soát đột quỵ: Mỗi người nên khám sức khỏe định kỳ trong năm hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Ngay trước Tết, người thuộc nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, mắc bệnh nền, từng đột quỵ nên khám sức khỏe, tầm soát đột quỵ. Người trên 60 tuổi, người trong gia đình có nhiều người bị đột quỵ trước 40 tuổi nếu chưa có bệnh nền cũng nên đi tầm soát đột quỵ. Các kỹ thuật hiện đại giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn, chủ động kiểm soát bệnh nền, hỗ trợ phòng ngừa, giảm nguy cơ đột quỵ.
Người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ như đột ngột miệng méo, yếu liệt tay chân hoặc nửa người, khó nói, đau đầu dữ dội, mờ mắt... cần được đưa đến bệnh viện có chuyên môn sâu cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt. Người bệnh đột quỵ không được cấp cứu kịp thời có thể bị di chứng khiếm khuyết chức năng thần kinh, tử vong.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |