Thừa cân, béo phì trong thời thơ ấu, thanh thiếu niên và trưởng thành là mối quan tâm trên toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ béo phì ở trẻ em và thanh niên tăng cao hơn so với người lớn. Báo cáo mới đây của Liên đoàn Béo phì Thế giới dự đoán 51% dân số toàn cầu, tương đương 4 tỷ người, sẽ bị thừa cân trong năm 2035. Béo phì ở trẻ em có thể tăng gấp đôi so với năm 2020, lên 208 triệu bé trai và 175 triệu bé gái vào năm 2035.
BS.CK1 Nguyễn Phương Trang (Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, người thừa cân béo phì thường có hàm lượng cholesterol trong máu cao, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và xơ vữa mạch máu. Béo phì và thừa cân còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nền mạn tính như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường... Tất cả đều là yếu tố nguy cơ của đột quỵ.
Bác sĩ Trang dẫn nghiên cứu trên tạp chí Journey of Internal Medicine (JIM) đầu năm nay cho thấy, thừa cân ở trẻ em và thanh niên làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối và đột quỵ khi trưởng thành. Nghiên cứu được thực hiện trên 37.670 nam giới 78-62 tuổi ở Thụy Điển dựa trên thông tin về chiều cao, cân nặng và chỉ số khối cơ thể (BMI) tại trường học (khi 8 tuổi), 20 tuổi và dữ liệu về cục máu đông ở độ tuổi trung bình 62. Thừa cân ở cả thời thơ ấu và thanh niên còn làm tăng nguy cơ huyết khối động mạch - tức là cục máu đông do các mạch máu bị co lại với chất béo lắng đọng và viêm nhiễm.
Huyết khối thường phát sinh ở chân, bắt đầu từ mạch máu ở bắp chân. Sưng, nóng, đau và đỏ là những triệu chứng phổ biến. Huyết khối theo mạch máu đến tim, phổi, não... sẽ gây tắc nghẽn mạch máu. Ví dụ, nếu cục máu đông đi vào phổi gây thuyên tắc phổi, đi đến não dẫn đến đột quỵ nhồi máu não, có thể đe dọa đến tính mạng.
Rối loạn thuyên tắc huyết khối (TE) gây ra nhiều ca tử vong trên toàn thế giới và là nguyên nhân thường gặp khiến người bệnh trẻ và trung niên sống đời sống thực vật. Huyết khối là các yếu tố phổ biến gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ thiếu máu cục bộ...
Bác sĩ Trang cho biết thêm, để giảm cân hoặc phòng tránh thừa cân, béo phì, mỗi người nên có chế độ dinh dưỡng khoa học, hạn chế tinh bột, đường, chất béo bão hòa từ các món chiên rán nhiều dầu mỡ. Thay vào đó, mọi người nên tăng cường rau củ quả, ngũ cốc chưa qua tinh chế, hải sản. Tăng cường vận động mỗi ngày từ 30-60 phút cũng rất tốt cho sức khỏe. Người đang có nguy cơ như thừa cân, cao cholesterol... cần khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu và các chỉ định cận lâm sàng khác để dự phòng cục máu đông.
Tâm An