Nhiều người quan niệm rằng người bệnh thoái hóa khớp gối nên hạn chế vận động để cơn đau nhức không tái phát. Tuy nhiên, theo TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chính điều này sẽ khiến khớp thoái hóa kém linh động, máu lưu thông kém dẫn đến thiếu máu tưới cho các bộ phận cơ, gân, dây chằng. Hơn nữa, khi cơ thể "bất động" trong thời gian dài dễ gây ra hiện tượng cứng khớp, sưng khớp làm tăng cường độ đau nhức, khó di chuyển khi bắt đầu hoạt động trở lại.
TS.BS Nam Anh chia sẻ, hệ cơ xương khớp giống như chiếc xe máy, tức phải hoạt động thường xuyên thì mới "chạy" trơn tru. Nếu để liên tục nhiều ngày hoặc nhiều tuần không vận động, cơ thể bắt đầu gặp trục trặc, đặc biệt là tê cứng và đau mỏi khớp. Dễ thấy nhất là sau một đêm ngủ dậy, những người lớn tuổi mắc thoái hóa khớp bị cứng khớp, phải chờ 15-20 phút sau mới có thể cử động bình thường trở lại.
Các chuyên gia nhấn mạnh, bị thoái hóa khớp gối không đồng nghĩa với từ bỏ tập luyện thể thao, mà nên vận động phù hợp với thể trạng. Đây chính là liều thuốc tự nhiên giúp giảm đau, giảm chấn thương trong sinh hoạt. Nghiên cứu của Minna Kohler, MD, Giám đốc chương trình Siêu âm cơ xương khớp của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts đã chỉ ra rằng, ngay cả việc chạy bộ cũng không làm tăng tình trạng viêm xương khớp ở những người thoái hóa khớp.
Một khảo sát gần đây được công bố trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ cho thấy những người bị thoái hóa khớp nên chia nhỏ các bài tập thể thao trong buổi tập thành nhiều đợt, tốt nhất là tập 15 phút tập xen kẽ nghỉ ngơi, thay vì tập một đợt liên tục. Điều này sẽ giúp hạn chế đau đầu gối, tăng độ linh hoạt khớp và có thời gian để các khớp được thư giãn.
Môn thể thao người thoái hóa khớp nên chơi
Ngoài việc tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, người bị thoái hóa khớp gối có thể kiểm soát cơn đau và triệu chứng liên quan bằng việc lựa chọn bộ môn thể thao phù hợp. Bệnh nhân thoái hóa khớp gối nên chọn các bài tập dưới dây để không tạo sức nặng đè lên khớp, giúp ngăn ngừa tổn thương thêm cho khớp đang thoái hóa.
Đi bộ: Để đi bộ đạt hiệu quả với tình trạng thoái hóa khớp gối, nên lưu ý chọn địa hình bằng phẳng, mang giày đế thấp và bám tốt. Nên làm nóng khớp gối trước 5 - 10 phút và sau tập xong nên massage đầu gối trước khi ngồi nghỉ. Chỉ nên đi bộ khoảng 15 phút rồi nghỉ ngơi hoặc nếu xuất hiện các cơn đau khớp gối trong lúc đi bộ thì nên tạm ngừng, không nên gắng sức đi tiếp để tránh khớp bị tổn thương.
Bơi lội: Bơi lội được xem là môn thể thao hoàn hảo cho sức khỏe. Khi cơ thể ở trong nước, hầu như các khớp không phải chịu áp lực của trọng lượng, đồng thời việc di chuyển dưới nước còn giảm cảm giác đau nhức so với các môn thể thao trên cạn. Ngoài ra, sức ép của nước tạo nên một lực massage giúp các khớp xương thoải mái, dễ chịu hơn.
Đạp xe: Bệnh nhân thoái hóa khớp gối có thể đạp xe nhịp nhàng nhưng không tạo ra áp lực cho khớp gối và các khớp khác nếu điều chỉnh yên ngồi ngang với xương hông, bàn đạp và chân ở tư thế vuông góc 12h và 6h, đặc biệt là chọn địa hình bằng phẳng để tránh chấn thương. Đạp xe đều đặn mỗi ngày, trong khoảng 15-30 phút, được xem là bài tập tăng cường vận động cho khớp háng, đầu gối, cổ chân, kích thích quá trình trao đổi chất và sản sinh dịch bôi trơn ở khớp.
Điều cần lưu ý là người bị thoái hóa khớp không nên cố gắng vận động khi đầu gối bị đau, sưng tấy và luôn khởi động trước khi tập luyện. Những bệnh nhân có dấu hiệu viêm khớp và thoái hóa sớm cần phải quản lý cân nặng và tăng cường các dưỡng chất thiên nhiên đặc hiệu cho hệ xương khớp như Eggshell Membrane, Turmeric Root, Chondroitin Sulfate, Collagen Type 2 không biến tính, Collagen Peptide... Các tinh chất này có khả năng kiểm soát quá trình viêm, kích thích tế bào sụn sản sinh chất nền (collagen và aggrecan) giúp xương khớp chắc khỏe, thúc đẩy quá trình tái tạo sụn khớp và xương dưới sụn, nhờ đó làm chậm thoái hóa khớp và tăng khả năng vận động.
Kết hợp chơi thể thao đúng cách, kiểm soát cân nặng, bổ sung các dưỡng chất là cách đơn giản để người bệnh thoái hóa khớp gối giảm cơn đau, tăng cường sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe xương khớp nói riêng.
Oanh Ngô