Nhiều năm nay bà Trần Thị Cúc Phương khó đi lại, yếu chân do thoái hóa khớp. Giữa tháng 11, bà ngã gãy cổ xương đùi, vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong tình trạng đau nghiêm trọng, không thể tự di chuyển, phải ngồi xe lăn.
Ngày 19/12, ThS.BS.CKI Nguyễn Văn Lưu, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết gãy cổ xương đùi là dạng gãy xương nặng, thường gặp ở người cao tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh đau nhiều, không thể đi lại, nguy cơ tử vong cao do biến chứng nằm bất động lâu ngày như xuất hiện huyết khối, loét tỳ đè, nhiễm trùng...
Bác sĩ chỉ định thay khớp háng cho bà Phương bằng phương pháp SuperPath. Đây là kỹ thuật thay khớp bằng đường mổ ngắn, không cắt cơ, bảo tồn phần mềm xung quanh khớp, giúp người bệnh phục hồi nhanh.
Các phương pháp thay khớp háng truyền thống, người bệnh thường cần 6 tuần đến 3 tháng để phục hồi. Với kỹ thuật SuperPath, chỉ sau hai ngày, người bệnh không còn đau và có thể đi lại gần như bình thường.
Tái khám sau một tháng, bà Phương cho biết có thể vận động khớp háng bình thường. Tuy nhiên, lúc này khớp gối sưng to và đau nhiều, ảnh hưởng đi lại. Phim chụp X-quang cho thấy người bệnh bị thoái hóa nặng ở khớp gối bên phải. Khớp bị biến dạng, vẹo trục 10 độ, có rất nhiều gai xương và hẹp khe khớp hoàn toàn. Người bệnh được chỉ định thay khớp gối để khôi phục tối đa chức năng và khả năng vận động.
Tương tự khi thay khớp háng, lần này, các vấn đề về sức khỏe khác của bà như loãng xương nặng, tiểu đường, chức năng gan thận... đều được bác sĩ kiểm tra và kiểm soát tốt trước khi phẫu thuật. Sau hội chẩn, bác sĩ Lưu quyết định thay khớp trục cơ học cho người bệnh.
Người cao tuổi bị hạn chế vận động có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh cần được giảm đau tối đa để có thể nhanh chóng đi lại sau phẫu thuật. Để làm được điều này, bác sĩ sử dụng mô hình giảm đau đa mô thức, kết hợp các phương pháp gây tê tủy sống, gây tê bao khớp và ống cơ khép.
Ca phẫu thuật kéo dài một tiếng. Hai ngày sau, người bệnh có thể đi lại với khung, không còn cảm thấy đau, chân có thể gập đến 90 độ và duỗi thẳng gần như tối đa. Ngày tiếp theo, bà xuất viện.
Bà Phương cần tiếp tục điều trị loãng xương và tập phục hồi chức năng. Bác sĩ Lưu khuyến cáo người bệnh tuổi cao, loãng xương rất nặng nên cần phòng ngừa té ngã, như trang bị thảm chống trơn tại nhà, lắp các tay vịn, cẩn thận khi di chuyển... Té ngã một lần nữa có thể dẫn đến gãy cổ xương đùi ở chân còn lại.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |