Một lúc sau, em bé mình đầy dây nhợ dịch truyền đã say giấc. Bé thích được dỗ dành, có khi điều dưỡng viên vừa rời đi khi bé chưa sâu giấc thì SPO2 (oxy trong máu) liền giảm.
Chị Đặng Lê Ánh Châu, 50 tuổi, là điều dưỡng trưởng tại Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Gần 30 năm công tác trong lĩnh vực điều dưỡng hồi sức sơ sinh, chị Châu trở thành "người mẹ" của hàng nghìn trẻ sinh cực non kèm nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nhiều bé được nuôi dưỡng suốt ba tháng tại bệnh viện đã hồi sinh kỳ diệu.
Một ca trực đêm của ê kíp điều dưỡng bắt đầu 19h đến 7h hôm sau. Ê kíp gồm 7-10 điều dưỡng chăm sóc cùng lúc 20-25 trẻ, bao gồm trẻ sinh cực non, trẻ có bệnh lý nặng nằm riêng ở phòng chăm sóc đặc biệt và những bé được ghép mẹ nằm nội trú ở Trung tâm Sơ sinh. Chị Châu đến kiểm tra từng lồng ấp và hướng dẫn các điều dưỡng chăm sóc từng ca sinh non, theo dõi kỹ chỉ số sinh hiệu, nhịp tim, mạch, nồng độ oxy trong máu của những trẻ sơ sinh non tháng được chăm sóc tích cực.
Bất ngờ phát hiện bé Xu, sinh non ở tuần thai 30, không đi tiêu được khiến oxy trong máu giảm, chị Châu cùng ê kíp nhanh chóng giúp bé đi tiêu thuận lợi, vệ sinh, thay tã, kiểm soát nhiễm khuẩn. Khi các chỉ số về mức an toàn, cả ê kíp thở phào. Lúc mới sinh, phổi của bé Xu chưa phát triển toàn diện cần thở máy. Sau hai tuần được nuôi dưỡng tích cực, cân nặng của bé từ 950 g tăng lên 1,2 kg.
Sau khi đi một vòng, chị trở về phòng trực, tranh thủ hướng dẫn nhân viên giải tỏa tinh thần, tâm lý cho ba mẹ có con nằm tại khoa. Theo chị Châu, ba mẹ với bé có sự "tâm linh tương thông". Nếu ba mẹ yên tâm, tin tưởng vào phác đồ điều trị, tin con vượt qua thì bé sẽ mau khỏe và tâm lý phát triển cũng tốt hơn.
Chị nhớ bé Bối, nặng 740 g, chỉ nhỏ như bàn tay, sinh cực non ở tuần thai 25, vào tháng 4/2021, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Lúc mới sinh, bé tím tái, không thở được, thân nhiệt hạ rất nhanh, nguy cơ nhiễm trùng cao. Được đào tạo tại Mỹ về kỹ thuật hồi sức sơ sinh, đặt catheter trung tâm PICC (đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên), chị Châu cùng tham gia vào ê kíp hồi sinh bé trước "cửa tử". Ê kíp áp dụng phác đồ giờ vàng trong 60 phút ngay tại phòng sinh để đảm bảo thân nhiệt, giữ ấm, cung cấp áp lực dương liên tục, thông khí cho bé...
Sau khi được chăm sóc tích cực suốt 3 tháng, bé Bối xuất viện với cân nặng 2,5 kg. Sau khi bé xuất viện, gia đình bệnh nhi và chị trở thành những người thân đặc biệt. Dịp thôi nôi, sinh nhật bé, chị và y bác sĩ Tâm Anh nhận được nhiều hình ảnh từ gia đình. Hiện bé 3 tuổi, phát triển khỏe mạnh như một trẻ sinh đủ tháng. "Đây là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục công việc", chị Châu nói hôm 12/5.
Mới đây, chị Châu tiếp nhận và chăm sóc cho hai bé sinh đôi siêu non ở tuần thai 25. Một bé 500 g và bé 400 g. Ê kíp thực hiện kỹ thuật catheter trung tâm PICC trong thời gian tối ưu, giúp tăng hiệu quả điều trị. Hiện hai bé được theo dõi và điều trị tại bệnh viện, tiên lượng hồi phục tốt.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), trên thế giới, hàng năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non, cứ 10 trẻ ra đời thì có một trẻ sinh non. Tại Việt Nam, hàng năm có 103.500 trẻ sinh non và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau sinh. Chủ động các phương pháp điều trị và chăm sóc ngay sau khi chào đời giúp tăng cơ hội sống sót, giảm biến chứng và di chứng cho trẻ.
TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trung tâm hiện có 28 điều dưỡng viên có chứng chỉ hành nghề, 9 điều dưỡng thực hành. Với vai trò là nữ điều dưỡng trưởng, chị Châu điều phối giúp phác đồ chăm sóc cho bệnh nhi đạt hiệu quả cao nhất.
Trẻ sinh non, tình trạng nặng, nằm giường NICU được chăm sóc 1-1. Bệnh nhi được một điều dưỡng tay nghề cao chăm sóc toàn phần, những trường hợp cần thiết được điều động thêm ê kíp hỗ trợ chăm sóc. Những trẻ tình trạng nhẹ hơn điều trị ở khu sơ sinh có gia đình chăm sóc, điều dưỡng được giảm tải, có thể chăm cho 3-4 trẻ.
Thông thường, ê kíp điều dưỡng tại trung tâm chăm sóc cho khoảng 10 trẻ sinh non, cực non. Từ quý 3 và quý 4 hàng năm, số lượng trẻ chào đời tăng cao. Cao điểm ê kíp tiếp nhận đến hơn 20 trẻ. Trung tâm trang bị đầy đủ lồng ấp, giường, nôi giúp trẻ được điều trị tốt nhất.
Chị Châu cũng xây dựng quy trình chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân Kangaroo (ấp mẹ da kề da) tại Trung tâm Sơ sinh. Đội ngũ điều dưỡng hướng dẫn, hỗ trợ người nhà chăm sóc Kangaroo khi bé ổn định tại phòng chăm sóc đặc biệt, sau đó thực hiện da kề da liên tục tại phòng Kangaroo. Điều dưỡng viên như "người mẹ thứ hai", thường xuyên tập cho trẻ sinh non phản xạ bú nuốt để bé sớm biết bú.
Đầu năm 2024, Tập thể Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM được vinh danh Thành tựu Y khoa với "Phác đồ giờ vàng" cứu sống hàng trăm trẻ sinh non và cực non. Trong đó có những cống hiến thầm lặng của khối điều dưỡng sơ sinh. Chị Châu trăn trở ngày càng phát triển hơn nữa khối điều dưỡng sơ sinh của bệnh viện. Mỗi ngày chị chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng thực hành cho đội ngũ điều dưỡng trẻ kế cận. Bởi theo chị một đội ngũ phẩm chất tốt luôn kiên nhẫn, thận trọng, chuyên môn giỏi giúp cứu sống thêm nhiều trẻ sinh non và cực non.
Khánh Thương
Độc giả gửi câu hỏi về Nhi - Sơ sinh tại đây để bác sĩ giải đáp |