Theo thạc sĩ, bác sĩ Lã Quý Hương - khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, lây nhiễm Adenovirus phổ biến nhất ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh này. Adenovirus lây lan mạnh nhất trong môi trường đông đúc như bệnh viện, viện dưỡng lão, ký túc xá, khu quân sự. Ngoài ra, gia đình có trẻ nhiễm bệnh thì những người khác cũng có nguy cơ cao lây bệnh.
Người già, có bệnh hô hấp mạn tính, bệnh tim mạch, ung thư; người từng cấy ghép tạng hoặc ghép tế bào gốc, suy giảm miễn dịch có thể gặp biến chứng nặng, thậm chí là tử vong khi nhiễm Adenovirus.
Những người này khi nhiễm Adenovirus cần được theo dõi cẩn thận. Một số trường hợp cần nhập viện điều trị. Trong trường hợp nhiễm trùng nặng, người bệnh có thể cần điều trị với thuốc kháng virus như cidofovir hoặc ribavirin, nhưng phải dưới sự chỉ định, theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.
Đối với người khỏe mạnh, nhiễm Adenovirus thường nhẹ, không gây nguy hiểm. Hệ miễn dịch sẽ có cơ chế chống lại virus, do đó bệnh thường tự khỏi sau 5-7 ngày. Trong thời gian này, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, điều trị giảm nhẹ triệu chứng tại nhà bằng thuốc hạ sốt, giảm đau, bù nước. Người bệnh lưu ý không dùng thuốc kháng sinh vì không có tác dụng điều trị nhiễm virus.
Triệu chứng nhiễm Adenovirus rất đa dạng, tùy thuộc vào cơ quan mà virus xâm nhập. Ở hệ hô hấp, người bệnh có thể bị sốt, đau họng, chảy nước mũi, viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng. Ở hệ tiêu hóa, bệnh gây nhiễm trùng đường tiêu hóa, tiêu chảy. Với hệ thần kinh, bệnh gây viêm não, viêm màng não, nhưng trường hợp này khá hiếm xảy ra. Các triệu chứng có thể kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần, thậm chí dài hơn nếu nhiễm trùng nặng.
"Rất khó để phân biệt giữa nhiễm Adenovirus và các bệnh cảm lạnh, cảm cúm, Covid-19 nếu chỉ dựa vào triệu chứng, vì biểu hiện gần giống nhau", bác sĩ Hương nói. Người bệnh nếu có biểu hiện nghi ngờ nhiễm Adenovirus sẽ làm xét nghiệm Realtime PCR thông qua lấy mẫu từ mũi, họng, với tỷ lệ chính xác gần như 100%.
Cũng giống như virus cảm lạnh và cúm, Adenovirus lây lan dễ dàng qua đường hô hấp, khi tiếp xúc với dịch tiết của người nhiễm bệnh sau khi ho, hắt hơi. Ngoài ra, virus cũng có thể lây qua tiếp xúc phân của người bệnh như trong quá trình thay tã; lây qua nước khi đi bơi. Đáng chú ý, Adenovirus có thể sống rất lâu trên bề mặt vật dụng như: tay nắm cửa, khăn tắm, chống lại nhiều chất khử trùng thông thường.
"Khi mắc Adenovirus, phải mất nhiều ngày, thậm chí vài tuần để đào thải hết virus khỏi cơ thể. Do đó kể cả khi không còn triệu chứng, người bệnh vẫn có khả năng truyền virus sang người khác", bác sĩ Hương nhận định.
Hiện, Việt Nam chưa có vaccine ngừa Adenovirus. Do đó phương pháp phòng ngừa tốt nhất là tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm. Các biện pháp này bao gồm: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng nếu chưa rửa tay; tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh, nếu tiếp xúc phải đeo khẩu trang; làm sạch, khử trùng đồ chơi cho trẻ thường xuyên; làm sạch bồn rửa, bồn cầu, các bề mặt cứng bằng hỗn hợp tẩy chuyên dụng.
Bác sĩ Hương khuyến cáo trong trường hợp xác định nhiễm Adenovirus, người bệnh cần theo dõi sức khỏe sát sao. Nếu có một trong các dấu hiệu sau phải nhập viện càng sớm càng tốt: sốt cao trên 40 độ C và kéo dài hơn 5 ngày; khó thở; mất nước (gây chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu); lơ mơ, không tỉnh táo; triệu chứng kéo dài trên 2 tuần.
Adenovirus là một loại virus phổ biến gây các triệu chứng nhiễm trùng gần giống như cảm lạnh hay cảm cúm. Các nhà nghiên cứu xác định được khoảng 50 chủng khác nhau của nó có thể lây nhiễm sang người. Nhiễm Adenovirus xảy ra quanh năm nhưng đạt đỉnh vào mùa đông và mùa xuân. Tuy nhiên ngay trong tháng 9, một số bệnh viện miền Bắc vẫn ghi nhận sự gia tăng đột biến số lượng bệnh nhi nhập viện do Adenovirus.
Hoài Phạm