Trả lời:
Bệnh cơ xương khớp phổ biến, có tỷ lệ mắc cao, xuất hiện ở nhiều lứa tuổi. Viêm khớp do nhiều yếu tố: vi khuẩn, virus, môi trường, yếu tố bên trong thay đổi ảnh hưởng miễn dịch, gây tình trạng đau, sưng, viêm, tràn dịch khớp, làm người bệnh giảm, mất khả năng vận động. Bệnh ảnh hưởng khả năng làm việc, chất lượng cuộc sống.
Theo thông tin bạn cung cấp, mẹ bạn cần bổ sung thức ăn có đủ lượng đạm, chất béo để đảm bảo sức khỏe thời dịch. Tuy nhiên, người nhiều tuổi có rất nhiều bệnh lý đi kèm, đặc biệt là các bệnh chuyển hóa. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn về dinh dưỡng. Nếu như mẹ có vấn đề về mỡ máu, tiểu đường, đặc biệt ở phụ nữ nhiều tuổi có rối loạn chuyển hóa tăng axit uric cần lựa chọn thức ăn phù hợp. Người bệnh cần ăn nhiều rau xanh để bổ sung vitamin, uống nhiều nước để cơ thể không bị mất nước.
Nếu như mẹ bạn không bị các bệnh như chuyển hóa, tăng mỡ máu, đường máu thì nên ăn uống đủ chất, không kiêng quá mức, cần đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể. Trường hợp có thoái hóa cột sống thì có thể sử dụng thêm sản phẩm có tác dụng giảm đau, tác động cơ chế, làm chậm quá trình thoái hóa.
Thực tế, nhiều người quan niệm "ăn gì bổ nấy". Bố mẹ mắc viêm khớp, nghe nói nước hầm sụn, sườn bò rất tốt nên con cái hay mua về hầm cho ông, bà. Sụn, sườn, bò khi ninh lên thì các chất bị thủy phân. Ngoài ra, trong quá trình chế biến, thực phẩm sản sinh ra nhiều mỡ, chất béo, không tốt cho sức khỏe.

Người bệnh viêm khớp nếu không bị tăng mỡ máu thì không cần kiêng khem, nên ăn đa dạng thực phẩm. Ảnh: Freepik.
Ngoài ra, người bệnh cần bổ sung các vitamin và khoáng chất. Vitamin D bản chất là một hormone rất quan trọng với cơ thể. Sự thiếu hụt của vitamin có mối liên hệ chặt chẽ với một số bệnh như: dị ứng, hen phế quản, ung thư đại tràng, các bệnh lý khớp viêm (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, vảy nến), lupus ban đỏ hệ thống, thậm chí có thể gây rối loạn tâm thần. Vì vậy, bổ sung vitamin D rất cần thiết.
Người bệnh xương khớp cần giữ tâm lý thoải mái bởi quá trình chữa trị diễn ra lâu dài, đòi hỏi người bệnh kiên trì. Đa phần các trường hợp điều trị nội khoa, nghĩa là dùng thuốc, giúp cơ thể tự cân bằng hệ miễn dịch để giảm tình trạng bệnh.
PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa
Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội