Bệnh viêm ruột mạn tính như bệnh Crohn thường xảy ra ở đoạn hồi tràng và ruột già. Các triệu chứng thường là đau bụng, tiêu chảy nếu trong giai đoạn bùng phát. Người bệnh có thể bị áp xe, rò trong và ngoài ruột, tắc ruột, đôi khi là viêm khớp.
Dưới đây là chế độ ăn có lợi cho người bệnh viêm ruột.
Trái cây và rau củ tươi
Theo Tổ chức Crohn và Viêm đại tràng Mỹ, sản phẩm tươi là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh với người bệnh viêm ruột. Tuy nhiên, trái cây có vỏ và rau sống có thể gây khó chịu cho hệ tiêu hóa, người bệnh nên gọt vỏ, cắt nhỏ hoặc nấu chín chúng để dễ tiêu hóa hơn.
Trái cây nên ăn như chuối, dưa hấu, táo bỏ vỏ. Táo có vỏ chứa nhiều chất xơ khiến cơ thể khó hấp thụ. Gọt vỏ, cắt nhỏ và nấu chín làm nước sốt táo tốt cho người bị rối loạn dạ dày.
Rau củ nấu chín như khoai tây, bí nướng hoặc luộc mềm, dễ tiêu hóa. Người bệnh có thể ép rau củ quả lấy nước hoặc xay sinh tố để dễ hấp thụ hơn và bổ sung dinh dưỡng.
Người bệnh viêm ruột nên tránh trái cây và rau nhiều chất xơ vì chúng có thể làm tăng khí trong ruột như ngô, rau họ cải (bông cải xanh, súp lơ), mận khô.
Ngũ cốc
Khi các triệu chứng bùng phát, người bệnh nên chọn bánh mì, mì ống và các loại carbohydrate làm từ bột mì trắng thay vì ngũ cốc nguyên hạt. Gạo trắng, bánh mì bột chua cũng là lựa chọn ít chất xơ tránh gây kích thích đường ruột. Tránh dùng gạo lứt vì chúng giàu chất xơ, khó tiêu hóa.
Người không dung nạp gluten có thể dùng bột yến mạch để thay thế. Tránh ngũ cốc và granola có trái cây sấy khô, các loại hạt hoặc các chất bổ sung khác.
Sữa
Sữa và các sản phẩm sữa như phô mai thường khó tiêu hóa khi các triệu chứng bệnh Crohn hoạt động. Tuy nhiên, người bệnh có thể dùng sữa chua ít béo không đường. Sữa chua cung cấp men vi sinh (vi khuẩn tốt) có lợi cho sức khỏe đường ruột.
Protein
Nguồn protein nạc như ức gà không da, cá có lợi cho người bệnh. Tránh thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ hoặc nhiều gia vị. Vì chất béo khó tiêu hóa dễ gây đầy bụng, đau bụng, làm các triệu chứng viêm ruột nặng hơn.
Các loại thực phẩm giàu protein từ thực vật như đậu cũng có thể dẫn đến đầy hơi. Người bệnh ăn trứng nấu chín, đậu phụ hoặc tempeh (đậu nành lên men) vừa bổ sung protein vừa có thể thay thế thịt, giảm kích ứng ruột trong thời kỳ bùng phát. Các loại hạt thường gây khó tiêu cũng nên hạn chế.
Món tráng miệng
Thức ăn nhiều đường như bánh ngọt, bánh quy, kem, bánh pudding, kẹo, trái cây sấy khô thường khó phân hủy hơn trong ruột. Các chất thay thế đường như xylitol và sorbitol trong các sản phẩm như kẹo cứng không đường và kẹo cao su đôi khi khiến rối loạn tiêu hóa.
Đồ uống
Theo Viện Tiểu đường, Bệnh tiêu hóa và Thận Quốc gia Mỹ, người bệnh nên uống nhiều nước lọc để giữ nước hoặc dùng nước, đồ uống thay thế chất điện giải, chất bổ sung dinh dưỡng do bác sĩ khuyến nghị. Tránh uống có ga, caffeine (trà, cà phê, chocolate) và rượu để không làm triệu chứng nặng hơn.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |