Trả lời:
Các loại rau họ cải như bông cải xanh, bắp cải, súp lơ, cải xoăn, củ cải, cải ngọt... chứa nhiều hợp chất glucosinolate. Khi cắt, thái, nghiền hoặc nhai rau cải chưa được nấu chín, hợp chất này chuyển hóa thành goitrogen. Goitrogen có tác dụng ức chế tổng hợp hormone tuyến giáp bằng cách giảm hấp thụ iốt, khiến tuyến giáp tăng hoạt động sản xuất hormone giáp bù trừ, làm tăng nguy cơ bướu cổ, bướu giáp nhân, suy giáp.
Tuy vậy, hiện chưa có khuyến cáo cho thấy người mắc bệnh tuyến giáp không nên ăn rau họ cải. Cũng chưa có bất kỳ nghiên cứu nào khẳng định ăn bao nhiêu rau cải ảnh hưởng chức năng tuyến giáp. Rau cải khi được nấu chín sẽ phá hủy goitrogen hay glucosinolate, ức chế khả năng ảnh hưởng của các chất này lên tuyến giáp.
Rau cải tốt cho sức khỏe do giàu chất xơ và dinh dưỡng giúp chống oxy hóa, tăng cường khả năng miễn dịch... Trường hợp của bạn dù mắc bệnh tuyến giáp nào cũng không cần kiêng rau cải. Bạn có thể ăn với một liều lượng và chế độ hợp lý.
Người bệnh mắc cường giáp, basedow có thể ăn các loại rau cải bình thường. Tương tự, người bệnh có bướu nhân tuyến giáp, nang tuyến giáp nhưng chức năng tuyến giáp bình thường (bình giáp), suy giáp và đang điều trị bù thuốc hormone tuyến giáp cũng có thể ăn các loại rau họ cải bình thường. Trường hợp người bệnh được chẩn đoán suy giáp và thiếu iốt, nên ăn cải nấu chín thay vì cải sống, không dùng nước ép hay sinh tố từ các loại rau họ cải.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị người bệnh suy giáp nên ăn thực phẩm giàu iốt, đủ 150 mcg iốt mỗi ngày với người lớn và khoảng 250 mcg mỗi ngày nếu đang mang thai hoặc cho con bú. Thực phẩm giàu iốt bao gồm cá và hải sản, rong biển, trứng, sữa, sữa chua...
Người bệnh suy giáp nên tăng cường thực phẩm giàu selen, magie như các loại hạt như hạnh nhân, hạt óc chó, hạt lanh, ngũ cốc nguyên hạt. Thực phẩm giàu kẽm gồm hàu và động vật có vỏ, thịt gà, thịt bò. Thực phẩm giàu sắt như thịt, gan... Thực phẩm giàu vitamin D đến từ cá hồi, cá ngừ, cá thu, lòng đỏ trứng, phô mai, nấm, rau lá xanh, trái cây và rau tươi. Các món ăn này đều có lợi cho người bệnh tuyến giáp.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần lưu ý vận động thể chất phù hợp, khám sức khỏe định kỳ, tái khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Hồng
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |