Võng mạc là tập hợp các tế bào nằm bên trong đáy mắt giúp cảm nhận ánh sáng. Chúng rất nhạy cảm với đường huyết cao và các rối loạn chuyển hóa khác như huyết áp cao. Các mạch máu nhỏ này ở người bệnh tiểu đường cũng dễ bị tổn thương nhất.
Đường huyết cao thường xuyên làm hỏng mạch máu nhỏ, sưng lên và lâu dần vỡ ra, làm rò rỉ máu vào nhãn cầu. Khi tình trạng này tiến triển, xuất huyết trở nên nặng hơn, võng mạc phát triển cả mô sẹo và các mạch máu bất thường mới, ảnh hưởng đến thị lực.
Tuy nhiên ở giai đoạn sớm, bệnh võng mạc tiểu đường thường không có triệu chứng và không ảnh hưởng đến thị lực. Nhiều người tiểu đường mắc bệnh võng mạc nhưng không biết. Kiểm tra mắt hàng năm có thể xác định các vấn đề về mắt trước khi chúng ảnh hưởng đến thị lực, phòng ngừa hoặc làm chậm tiến triển bệnh. Nếu người bệnh đợi cho đến khi thị lực kém mới đến bác sĩ thì rất khó phục hồi. Người trì hoãn kiểm tra thường xuyên có nguy cơ bị tổn thương vĩnh viễn ở mắt.
Thông thường, điều trị đầu tiên cho bệnh võng mạc tiểu đường là quản lý tốt bệnh tiểu đường. Bác sĩ thường khuyên người bệnh ăn uống lành mạnh, tập thể dục hoặc dùng thuốc theo chỉ định để cải thiện các yếu tố nguy cơ chuyển hóa. Các yếu tố này gồm đường huyết, huyết áp và mức cholesterol toàn phần.
Theo Tiến sĩ Ben Szirth, Trường Y Rutgers New Jersey (Mỹ), duy trì lượng đường trong máu, huyết áp ở mức khỏe mạnh có thể giảm xuất huyết võng mạc. Nếu tổn thương mắt được phát hiện sớm và điều trị trước khi tiến triển, người bệnh tránh được mù lòa.
Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến nghị người tiểu đường nên khám mắt hàng năm, ít nhất mỗi năm một lần. Trường hợp các lần khám trước không cho thấy dấu hiệu của bệnh võng mạc tiểu đường và đường huyết kiểm soát tốt, người bệnh có thể khám mắt hai năm tiếp theo. Nếu có tiền sử bệnh võng mạc, nên khám mắt thường xuyên, hơn một lần mỗi năm hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Người lớn và trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1 mới được chẩn đoán thường không có khả năng phát triển bệnh võng mạc tiểu đường nhanh chóng sau đó. Nhóm bệnh nhân này nên khám mắt lần đầu tiên sau 5 năm kể từ khi mắc tiểu đường. Trừ trường hợp người bệnh ở tuổi dậy thì vì độ tuổi này đẩy nhanh sự phát triển của bệnh võng mạc tiểu đường. Trẻ em mắc tiểu đường type 1 nên khám mắt lần đầu tiên lúc 11 tuổi hoặc khi bắt đầu dậy thì.
Người lớn và trẻ em bị tiểu đường type 2 mới được chẩn đoán nên đi khám mắt ngay sau đó. Không ít người trưởng thành mắc tiểu đường type 2 đã phát triển bệnh võng mạc ở một mức độ nào đó.
Mang thai cũng là yếu tố đẩy nhanh sự tiến triển của bệnh này. Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, phụ nữ mắc tiểu đường type 1 hoặc type 2 đang mang thai, dự định mang thai nên kiểm tra mắt. Nếu có dấu hiệu về bệnh võng mạc, thai phụ cần kiểm tra mắt nhiều lần trong thai kỳ. Bệnh nhân tiểu đường mang thai cần có mục tiêu quản lý đường huyết chặt chẽ hơn để giảm nguy cơ tổn thương thị lực.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |