Lượng đường trong máu thường tăng sau khi ăn nhiều thực phẩm chứa carbohydrate, không dùng đủ thuốc, mất nước... Các triệu gồm đi tiểu thường xuyên, cơn khát nước tăng dần, đói liên tục, mờ mắt, mệt mỏi, đau đầu, tê hoặc ngứa ran ở chân tay.
Nếu đường huyết duy trì ở mức cao quá lâu, glucose (đường) bị giữ lại trong máu. Khi đó, các tế bào bắt đầu đốt cháy chất béo để làm nhiên liệu, tạo ra ceton (axit trong máu). Nồng độ ceton tăng cao khiến người bệnh nhiễm toan ceton tiểu đường, có thể dẫn đến hôn mê, tử vong. Dưới đây là một số cách phòng ngừa tình trạng này.
Theo dõi đường huyết
Người bệnh có thể kiểm tra lượng đường trong máu khi mới thức dậy, trước bữa ăn, hai giờ sau bữa ăn và trước khi đi ngủ. Tùy vào tình trạng và khả năng quản lý bệnh, người tiểu đường cần kiểm tra đường huyết ít nhất hai lần mỗi ngày hoặc nhiều hơn. Theo dõi đường huyết giúp điều chỉnh lượng thức ăn và insulin phù hợp, ngăn biến chứng tiểu đường.
Uống đủ nước
Nước đóng vai trò trong nhiều chức năng khác nhau của cơ thể như tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng, duy trì nhiệt độ cơ thể... Ở người tiểu đường, mất nước có thể khiến đường trong máu cô đặc hơn, làm đường huyết tăng cao.
Uống đủ nước suốt cả ngày cung cấp chất lỏng cho hoạt động của cơ thể, duy trì đường huyết ổn định. Ngoài nước lọc, nên bổ sung nước từ rau củ, súp, tránh đồ uống có đường như nước ngọt, cà phê, nước trái cây đóng hộp.
Ăn đúng bữa
Ăn đúng bữa giúp ngăn lượng đường trong máu tăng, hạ đột ngột. Người bệnh có thể ăn ba bữa chính, xen kẽ ba bữa ăn nhẹ hoặc chia thành 5-6 bữa ăn nhỏ trong ngày. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có lượng ăn phù hợp cho mỗi bữa.
Người tiểu đường nên chọn thực phẩm chứa nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau củ. Chất xơ tiêu hóa lâu hơn, làm chậm quá trình chuyển hóa glucose nên ngăn tăng đường huyết nhanh sau ăn. Bữa ăn nên cân bằng lượng chất béo, đạm, bột đường vì chất béo, đạm làm chậm quá trình tiêu hóa chất bột đường và quá trình hấp thụ chúng vào máu.
Thư giãn
Các hormone gây căng thẳng lưu thông có thể làm tăng đường huyết nhanh hơn. Thư giãn và giảm căng thẳng bằng các kỹ thuật như thiền, thở sâu, yoga, đi dạo sau ăn, đọc sách, nghe nhạc, tắm nước ấm.
Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc mỗi đêm làm giảm hormone gây căng thẳng và giảm nguy cơ béo phì, hai yếu tố có thể khiến đường huyết tăng cao. Người bệnh cần ngủ 7-9 giờ mỗi đêm, ngủ và thức vào cùng thời điểm mỗi ngày nhằm điều chỉnh nhịp sinh học tốt hơn, tạo thói quen lành mạnh.
Cách để ngủ ngon là tránh sử dụng thiết bị điện tử ít nhất một giờ trước khi ngủ, hạn chế ngủ trưa, giữ không gian ngủ tối và yên tĩnh, hạn chế uống caffeine vào cuối ngày.
Hoạt động thể chất
Tập thể dục làm tăng độ nhạy insulin có thể giảm lượng đường trong máu. Người bệnh nên đặt mục tiêu hoạt động thể chất vừa phải 150 phút mỗi tuần. Người ngừng tập thể dục một thời gian nên bắt đầu từ từ, khoảng 15-20 phút mỗi ngày hoặc chia thành ba lần, mỗi lần 10 phút. Chọn các môn thể thao yêu thích để bạn có động lực duy trì thường xuyên.
Uống thuốc theo chỉ định
Uống thuốc giúp kiểm soát bệnh tiểu đường, giữ cho lượng đường trong máu không tăng đột biến. Người bệnh cần dùng thuốc đầy đủ và đúng liều theo chỉ định của bác sĩ. Không bỏ qua liều thuốc và không tự ý ngừng dùng thuốc.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |